Giao liên Khang vừa báo tin chúng tôi lên đường, vừa vọt lên trước bám đường. Chúng tôi phải vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp bằng cách… bơi. Gọi là kênh, vì đây là kênh đào, nhưng kênh rộng như một dòng sông, và khá sâu. Tấm ni lông gói tròn chiếc bòng nhỏ, làm phao, thế là cả đoàn nhào xuống dòng kênh buổi chiều, và… bơi. Khi qua bờ, em Khang giao liên lại dẫn chúng tôi hành quân vận động trên một bãi B52 còn ngổn ngang hố bom thuộc Ấp Bắc, một địa danh rất lừng lẫy từ sau trận Ấp Bắc oai hùng năm 1962. Đã 10 năm trôi qua, và chúng tôi lại được chạy trên mảnh đất Ấp Bắc đầy thương tích. Nhưng đọng trong tôi nhiều nhất thời điểm ấy, vẫn là hình ảnh em giao liên Khang, nhanh nhẹn, mạnh mẽ và thật hồn nhiên:
Về một em giao liên
Nhớ Khang
người bạn giao liên
dẫn chúng tôi buổi chiều vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp
giặc chốt cống Bà Kỳ
giặc chốt chùa Phật Đá
thì dùi lách mà đi
ơi người bạn giao liên
hay cười
đã ba hôm tụi mình ăn
bông súng
tôi muốn gọi em bằng em
rồi nghĩ sao, không gọi nên lời
ngay ở địa hình này thắt ngặt
em đã sống những ngày đêm
dài nhất
bầy “cá rô” “ cá lẹp”(*) siết
trên đầu
em đã sống những ngày đêm
dài nhất
mà tuổi bình thường không tính nổi đâu!
những vườn điều xác xơ
pháo dập
những lùm mua nắng trưa
héo quắt
người đến đây xây ổ
trong bàng
bình minh lên đà ầm ĩ
tiếng trực thăng
tôi mới qua chưa mấy
thời gian
còn ngợp mắt những chân trời Đồng Tháp
ai cũng nói xứ này bông sen
đẹp nhất
và tôi gặp em
da sạm đen vùng nước phèn cháy nắng
hết gạo rồi ăn bông súng
thay cơm
mà lúc dẫn đoàn vượt sông
em vọt lên bám đường
trước nhất
10.1972
(*) “Cá rô” và “Cá lẹp” là tên dân ta gọi hai loại trực thăng vũ trang của Mỹ.
Chùm thơ Ghi chép Tháp Mười có hình thức như một nhật ký - thơ, tôi chỉ viết riêng cho mình. Nhưng tôi đã viết với tất cả cảm xúc còn nóng hổi mà mình trải nghiệm. Đó là những ghi chép nhỏ nhoi đưa tôi vào con đường lớn đầy chông gai của thơ. Năm 1973, khi về lại chiến khu, tôi đã viết được bài thơ dài Một người lính nói về thế hệ mình. Đó là bài thơ tổng kết những trải nghiệm, suy tưởng của tôi sau thời gian đi qua đồng Tháp Mười và nằm ở những địa hình nam lộ Bốn thuộc Mỹ Tho.
Tôi lại nhớ đến cách mà xuồng giao liên dẫn đoàn công tác giữa Tháp Mười trong đêm đen mờ mịt:
Hướng mũi xuồng
lúc trái sáng bắn lên nhòe nhoẹt trong mưa
là lúc xuồng giao liên cắt một đường quyết liệt
chớp rạch trời như cái nhìn quắc mắt
hướng mũi xuồng nhằm giữa hai đồn giặc
dùi qua
ở Tháp Mười không ngã bảy ngã ba
không những con đường mở sẵn
đêm sập xuống mưa trùm tám hướng
xuồng giao liên dừng lại
giây lâu
rồi đột ngột bươn ào lên
phía trước
cả đoàn xuồng giữ cự ly
năm thước
bươn theo
trong đêm sâu chỉ nghe tiếng xạc xào
xuồng vít cong mùi hương lúa sạ
có tiếng trích báo miệt đồng yên ả
mũi xuồng như bay trên cỏ năn
Có thể hình dung sự quyết đoán của giao liên Đồng Tháp ở những hành động dứt khoát trong đêm tối. Tiếng con chim trích “báo miệt đồng yên ả” ấy, thực ra, là ám hiệu báo yên của nhóm giao liên này với nhóm giao liên kia. Nghe nhiều, sẽ nhận ra ngay.
Từ Trường Sơn tới Đồng Tháp, trên đường tôi đi qua, tất cả những người giao liên, trong mắt tôi, đều xứng đáng là những anh hùng. Nhưng thời chiến tranh, danh hiệu anh hùng được phong “dè sẻn” lắm, vì lúc ấy nước mình “ra ngõ gặp anh hùng” mà.
Còn bây giờ, khi đại dịch Covid-19 đang tấn công Việt Nam và trên toàn thế giới, thì ở nước mình lại xuất hiện một lớp anh hùng mới - anh hùng chống dịch - họ rất giống những chiến sĩ giải phóng quân, những giao liên can đảm ngày xưa.
mang lịch sử qua trăm nghìn thử thách
dân tộc này còn tiềm ẩn những nguồn sông
(Những người đi tới biển) (còn tiếp)
Bình luận (0)