Ký ức thời bao cấp Hà Nội trong 6 m²

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/10/2024 06:30 GMT+7

Những trải nghiệm thiếu thốn thời bao cấp ở Hà Nội được gói trong câu chuyện về 6 m2 công trình phụ…

Tiêu chuẩn xây dựng và vị kiến trúc sư vượt khó

KTS Trần Thanh Bình, người thiết kế nhiều công trình kiến trúc thời bao cấp, vẫn nhớ tiêu chuẩn xây dựng những năm ấy. "Hệ số tiêu chuẩn rất bó buộc. Với hệ số đó phải cắt giảm diện tích, trang trí", ông Bình chia sẻ trong tọa đàm "Ký ức Hà Nội thời bao cấp thông qua di sản kiến trúc" diễn ra tại Hà Nội ngày 11.10. Theo ông Bình, nhiều khi với hệ số bó buộc đó, các công trình thậm chí rất khó có không gian xung quanh để thở.

Ký ức thời bao cấp Hà Nội trong 6 m²- Ảnh 1.

Cung thiếu nhi Hà Nội, một công trình kiến trúc bao cấp được đánh giá cao

ẢNH: VŨ HIỆP

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng có những câu chuyện, những con số để chia sẻ. Ông Huy tiếp cận nhiều tư liệu của KTS Trương Tùng - người đã có công mở ra những "chỉ số xây dựng" cho các khu tập thể thế hệ sau này, để người ở tập thể không phải xếp hàng chờ tới lượt sử dụng nhà vệ sinh mỗi buổi sáng nữa. Những tư liệu này KTS Trương Tùng đã tặng lại trung tâm tư liệu các nhà khoa học do ông Huy sáng lập.

PGS-TS Huy nhớ lại, với tiêu chuẩn phân bổ nhà cửa thời bao cấp những năm 1960, cán bộ trung cấp như cục trưởng, cục phó được 1 căn hộ 2 phòng; thứ trưởng trở lên được 2 căn hộ. Đại đa số cán bộ công nhân lại tính bình quân, nên 1 căn hộ có thể cho 2 - 3 gia đình, 1 căn phòng cho 2 - 3 gia đình. Điều này dẫn tới tình trạng chung bếp, chung nhà vệ sinh. Nó thách thức sự chịu đựng của con người. Nhưng dù sao họ được ở trong khu tập thể cũng đã là sung sướng rồi. Đó là thời kỳ họ được phân vào ở các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Kim Liên (Hà Nội).

"Quyết tâm và ước mơ của ông Trương Tùng trong vấn đề tạo ra một cuộc cách mạng bếp, xí, tắm trong các nhà tập thể rất lớn. Các KTS của chúng ta tạo ra các khu tập thể từ năm 1959 - 1960 ở Nguyễn Công Trứ, rồi sau đó là Trung Tự, Kim Liên. Cư dân ở chật chội, không nhà xí, không nhà tắm, tất cả tạo ra cuộc sống cộng đồng", PGS-TS Huy nói.

Bản thân ông Tùng, một giảng viên Trường ĐH Xây dựng từng học ở Liên Xô, cũng phải trải qua giai đoạn xếp hàng chờ đi vệ sinh như thế. Ở khu tập thể Văn Chương của ông, đời sống là chuỗi chờ đợi: chờ người khác nấu cơm xong mới tới lượt mình dùng bếp, chờ tới lượt tắm cũng như đi vệ sinh. Từ đó, khi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Tùng rất kiên định đề nghị tạo ra những căn hộ nhỏ với hệ thống bếp, xí, tắm độc lập. Tiêu chuẩn được bộ trưởng đồng ý khi đó là 6 m2 cho cả bếp, xí, tắm.

Cũng theo PGS-TS Huy, ông Tùng đã phải đưa ra hơn 21 bản vẽ thiết kế các căn hộ của các nước châu Âu mà mình sưu tầm để chứng minh cho phong cách sống trong xã hội đương đại. Sau đó, những căn hộ với 6 m2 cho cả bếp, xí, tắm ở Hà Nội được phê duyệt. Việc này được thí điểm từ 1970 - 1971 cộng với ý tưởng xây nhà từ tấm bê tông, kiên trì dùng bê tông tấm lớn. Bê tông tấm lớn khi đó còn được làm một phần bằng xỉ than và phơi nắng cho khô vì chúng ta chưa có nhà máy bê tông.

Ký ức mờ, ký ức tỏ

KTS Vũ Hiệp, hiện là nghiên cứu sinh về kiến trúc xã hội chủ nghĩa (XHCN) tại ĐHQG Hà Nội, cho biết kiến trúc giai đoạn 1954-1986 được xây dựng trong giai đoạn đất nước khó khăn, nên quy mô, sự phong phú về hình khối, cũng như chất lượng vật liệu không bằng các giai đoạn khác. Chúng cũng ít được quảng bá đến công chúng. "Khảo sát các sách lịch sử kiến trúc trong 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến trúc thuộc địa Pháp và sự vắng bóng của kiến trúc giai đoạn 1954-1986", ông Hiệp cho biết.

Ký ức thời bao cấp Hà Nội trong 6 m²- Ảnh 2.

Các khu tập thể ở Hà Nội là một phần của ký ức về thời bao cấp

ẢNH: TL

KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng dựa trên điều tra này có thể thấy kiến trúc thời bao cấp là một nhóm đối tượng đang bị mờ, nếu so với di tích phong kiến, di tích Pháp thuộc. Ông Vinh cho rằng hiện nay là thời điểm mà các dấu tích thời bao cấp bắt đầu được nhìn nhận đúng hơn và khi chúng ta trao đổi với nhau để xác định những điều ghi nhận sẽ đóng góp được trong việc gìn giữ nó trong sự phát triển.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng có thể nghiên cứu phân loại một số tòa nhà tập thể như Kim Liên, Trung Tự, nơi có nhiều câu chuyện để kể và bảo tàng hóa ngôi nhà đó. "Chúng ta thấy có những tòa nhà đã thay đổi công năng, đặc biệt là công năng dưới tầng 1. Trước kia nó là nơi ở, bây giờ biến thành cửa hàng. Nó cho thấy sức sống những tòa nhà khu tập thể rất tốt. Chúng ta có thể biến nó thành nơi sinh hoạt, cửa hàng, và đặc biệt ở những tầng trên là người ở thì nhà nước hoặc tư nhân có thể mua và biến 1 tầng thành 1 sàn để nói về thời kỳ bao cấp. Còn lại những người khác vẫn ở đấy", ông Huy nói.

KTS Vũ Hiệp cũng rất đồng tình với ý kiến này. Ông Hiệp cho biết tại các nước từng là nước XHCN trước đây, có những trải nghiệm du lịch kiến trúc XHCN rất thu hút sự quan tâm. Mô hình này gọi là trải nghiệm "du lịch đỏ". 

KIẾN TRÚC NÀO ĐẠI DIỆN CHO BẢN SẮC HÀ NỘI?

Theo điều tra xã hội học của KTS Vũ Hiệp, khi được hỏi kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội, có tới 56% cho rằng đó là kiến trúc truyền thống. Tiếp theo, có 18% cho rằng đó là kiến trúc Pháp, 17% chọn kiến trúc đương đại, chỉ có 9% cho rằng kiến trúc thời bao cấp đại diện cho bản sắc Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.