Ký ức thời bao cấp - Kỳ 5: Showbiz thời bao cấp

22/05/2015 05:30 GMT+7

Những hoạt động nghệ thuật thời bao cấp phục vụ công chúng đều do các đoàn nghệ thuật nhà nước đảm nhiệm.

Những hoạt động nghệ thuật thời bao cấp phục vụ công chúng đều do các đoàn nghệ thuật nhà nước đảm nhiệm.
Diễn viên trang điểm trước giờ diễn hơn 40 năm trước - Ảnh: David Alan HarveyDiễn viên trang điểm trước giờ diễn hơn 40 năm trước - Ảnh: David Alan Harvey
Chỉ khác từ ngữ biểu đạt
Thời đó nghệ sĩ được gọi là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, thông qua tác phẩm có thể là ca, múa sân khấu, điện ảnh tuyên truyền đường lối chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì là đoàn nghệ thuật của nhà nước nên họ được cấp kinh phí để dựng vở diễn, làm phim hay các chương trình ca nhạc.
Và tất nhiên ca sĩ, nhạc công, diễn viên đều trong biên chế của đoàn nghệ thuật nào đó, có thể thuộc bộ văn hóa hay sở văn hóa các tỉnh thành. Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều đoàn tá túc, nếu tính cả các đoàn nghệ thuật của Hà Nội thì tổng số trên dưới 20 đoàn. Ngoài ra, lực lượng vũ trang cũng có đơn vị nghệ thuật riêng. Thậm chí trong quân đội, cấp quân khu, quân chủng cũng tổ chức đoàn nghệ thuật riêng, vừa phục vụ bộ đội, vừa phục vụ nhân dân.
Ngoài lương, nghệ sĩ còn được phụ cấp thanh sắc mà trong giới gọi là tiền hao mòn thanh sắc, nếu biểu diễn theo kế hoạch họ còn được bồi dưỡng quy định. Tuy là đoàn nghệ thuật nhà nước nhưng hình thức hoạt động nói chung không khác mấy so với hoạt động showbiz hiện nay. Trưởng đoàn lo tổ chức, kết cấu chương trình cũng gồm diễn viên nổi tiếng để thu hút khán giả rồi liên hệ địa điểm, bán vé, nếu diễn ở các vùng quê thì ngoài dán áp phích họ còn cho thông báo trên loa… Hoạt động như showbiz bộc lộ rất rõ trong thập niên 1980 khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tại Hà Nội mà người ta hay nói là “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Và dù là tuyên truyền nhưng lại phải bán vé nên ngoài các bài hát trong “phần cứng” thì các đoàn vẫn phải tìm các tác phẩm mới, lạ, các nghệ sĩ tên tuổi để tăng sức hấp dẫn thu hút khán giả. Càng nhiều khán giả thì tuyên truyền sẽ hiệu quả và doanh thu của đoàn nhờ đó cũng cao hơn.
Dù số đoàn nghệ thuật khá nhiều nhưng cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu thưởng thức của quần chúng, nhất là các đối tượng không đủ điều kiện mua vé vào rạp nên đã sinh ra các chương trình nghệ thuật ngoài trời. Đó cũng chính là nhiệm vụ chính trị của các đoàn. Ở Hà Nội vào các tối thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết bao giờ cũng có các chương trình biểu diễn trước cửa Ngân hàng Nhà nước (phố Lý Thái Tổ), trong công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo, Nhà văn hóa Thanh niên, hồ Thiền Quang… và biểu diễn tại đây do ngành văn hóa tổ chức nhưng thông qua ông bầu tư nhân với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật khác nhau. Tại sao nghệ sĩ trong biên chế lại có thể tự do biểu diễn ở các show? Đơn giản vì họ đã làm xong công việc của đoàn và việc họ hát ở ngoài cũng vẫn là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, vẫn là tuyên truyền nên các vị trưởng đoàn không ý kiến gì.
Bầu sô “quốc doanh” cạnh tranh bầu sô tư nhân
Thời bao cấp cuộc sống vật chất khó khăn, thiếu thốn nhưng bù lại đời sống tinh thần lại vô cùng phong phú. Một năm, cán bộ công nhân viên trong các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ít nhất phải được xem biểu diễn nghệ thuật 2 lần. Cán bộ công đoàn được mua vé xem phim, xem kịch hay ca nhạc, có nhà máy công nhân làm ca kíp không mua vé ngoài rạp đã mời các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn tại nhà máy. Rồi các cơ quan, nhà máy tổng kết quý hay tổng kết năm cũng thường có ca nhạc nên sinh ra chạy đua giữa các ông bầu “quốc doanh” (trưởng đoàn nghệ thuật) với các ông bầu tư nhân. Nếu ông bầu “quốc doanh” thường dùng “mỹ nhân kế” dẫn theo diễn viên xinh tươi hay nổi tiếng để dễ ký hợp đồng thì các ông bầu tư nhân lại có vũ khí khác là “lại quả”, nghĩa là họ cắt phần trăm cho người có trách nhiệm của cơ quan đó. Lại có ông bầu tư nhân láu cá “xin” giấy giới thiệu của vị trưởng ngành nào đó và khi cầm tấm giấy thông hành trong tay họ tuyển quân đi diễn hết các đơn vị trực thuộc. Thập niên 1980, một nhạc sĩ làm bầu sô rất giỏi quan hệ kiểu đó và giàu lên nhanh chóng.
Còn biểu diễn tại sân khấu ngoài trời cũng có vài ông bầu, và một trong số đó là nghệ sĩ accordeon Kiều Linh của Đài tiếng nói VN. Tất nhiên ông Kiều Linh chỉ mời các nghệ sĩ của dàn nhạc nhà đài. Nói chung các ông bầu thiết kế show chủ yếu là hát và tấu hài. Trong các show cũng có người giới thiệu tiết mục, họ nói ngắn gọn và sử dụng từ ngữ mang tính tượng hình, tượng trưng, đôi khi ví von rất hóm hỉnh và không bao giờ dùng từ nghệ sĩ mà chỉ dùng từ ca sĩ hay diễn viên vì từ nghệ sĩ thời đó chỉ dùng để gọi những người đã thành danh và có uy tín trong nghề.
Năm 1980, nghệ sĩ múa Thu Hiền đã chuyển về làm việc ở Đài truyền hình VN và thường xuyên giới thiệu chương trình cho ông bầu Kiều Linh. Khi đó cậu con trai Anh Quân và cô con gái Hương Ly còn nhỏ nên nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chất cả nhà lên chiếc xe Mobylette. Chờ khi Thu Hiền nhận cát sê xong cả nhà lại lên xe máy èn èn về phố Vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.