Ký ức từ lòng đất

13/05/2015 12:00 GMT+7

Địa đạo gắn liền với tên tuổi nữ anh hùng Trương Thị Xáng (sinh năm 1947) vừa được phát lộ sau 50 năm mất dấu khiến người dân thêm cảm phục đức hy sinh cao cả của bà cho công cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước.

Địa đạo gắn liền với tên tuổi nữ anh hùng Trương Thị Xáng (sinh năm 1947) vừa được phát lộ sau 50 năm mất dấu khiến người dân thêm cảm phục đức hy sinh cao cả của bà cho công cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước.

Ký ức từ lòng đấtĐịa đạo được phát lộ khiến nhiều người làng Bình Túy vui mừng - Ảnh: Hoàng Sơn
Giữa tháng 4, bất chấp cái nóng như đổ lửa, nhiều người dân ở vùng cát Bình Túy (xã Bình Giang, H.Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn tay cuốc, tay xẻng đào bới để tìm lại dấu vết địa đạo từng là nơi ẩn náu của 300 người. Đúng như trí nhớ của ông Nguyễn Xuân Tuế (70 tuổi, trú tại thôn Bình Hòa, xã Bình Giang), sau 3 ngày “khai quật” tại 4 hố thám sát, một phần địa đạo đã phát lộ với đường hầm bước đầu dài khoảng 6m. “50 năm trước, nhờ cô Xáng dẫn lên từ địa đạo này mà tôi đã tiếp tục chiến đấu và sống đến bây giờ. Chỉ thương Xáng một mình ngã xuống sau khi làm người dẫn đường cho tôi và cho hàng trăm người nữa thoát thân. Tôi không bao giờ quên ơn cứu mạng và cái ngày hôm đó”, ông Tuế lần giở từng trang ký ức. Ngày 22.2.1965, ông Tuế là bộ đội đóng quân tại H.Tiên Phước (Quảng Nam) được đơn vị cho về phép tại Bình Túy. Trời hửng sáng, ông về đến gần nhà thì nghe 3 phát súng lệnh của du kích báo “phía VNCH đang đổ quân lính, mở trận càn về quê hương”. Biết mình không thể thoát khỏi vòng vây, ông Tuế vào nhà dân xin trú chân rồi được một người đưa xuống địa đạo ẩn thân.
“Ngồi dưới hầm, tôi nghe tiếng bước chân, tiếng xe tăng chạy ầm ầm, hàng trăm người ngồi san sát nhau trong địa đạo, trong đó có cả những cán bộ chủ chốt của địa phương, du kích, đàn ông trong làng…”, ông Tuế kể. Không khí rất căng thẳng khi quân lính bắt đầu dùng cỏ tươi lẫn rơm khô để “hun” khói vào địa đạo. Khói từ các lỗ thông hơi “ngoi” lên mặt đất, các binh sĩ được lệnh bao vây các lỗ thông hơi để đón lõng người từ dưới hầm chui lên. Lúc này, nhiều người trong địa đạo dùng xẻng để lấp lại miệng hầm, không để khói vào gây ngạt. Thấy tình hình không xoay chuyển, quân lính VNCH tiếp tục đào đoạn đường hầm đã bị lấp để phun xăng vào đốt và đánh thuốc nổ rung chuyển cả mặt đất.
“Nếu lính VNCH khui được địa đạo thì chắc thương vong sẽ rất nhiều. Nhưng nhờ Xáng vận động nên quân lính bỏ ý định đào hầm và chỉ canh gác ở những điểm nghi ngờ. Tối hôm đó, Xáng dùng nhiều lời lẽ thuyết phục, đánh vào tâm lý của những tay súng đang rã rời vì cuộc chiến, vì bom đạn. Họ đã thả lõng ở cánh đông địa đạo và để Xáng xuống tiếp tế nước cho mọi người”, ông Tuế nhớ lại. Chị Xáng xuống được địa đạo liền dẫn 300 người ra một miệng hầm sát sông Trường Giang. Rồi từ đây, hàng trăm người đã tìm cách tản ra để thoát thân. “Xáng nói với mọi người: “Khi lên mặt đất hãy cẩn thẩn vì cách miệng địa đạo có một thi thể của anh bộ đội bị bắn chết, dẫm vào anh tội lắm”. Đó là câu nói cuối cùng tôi được nghe chị Xáng nói”, ông Tuế rưng rưng kể: “Hai hôm sau tôi quay lại thì nghe Xáng cũng bị lính bắn chết. Cô ấy hy sinh ngay miệng địa đạo...”. Khi hy sinh, nữ anh hùng đang mang thai 3 tháng, chồng của chị sau đó cũng ngã xuống trên chiến trường. “Chị bị bắn lúc tôi đã 12 tuổi. Tôi nhớ y rằng, khi quân lính VNCH được chị vận động đã rất thiện chí và cho chị bắt liên lạc với những người bên trong địa đạo. Trong đó có 3 người rất có cảm tình với cách mạng. Nhưng oan nghiệt thay, vào sáng sớm 23.2.1965, sau khi đưa 300 người thoát khỏi vòng vây, chị tôi trở lên thì bị bắn chết ngay tại miệng hầm. Một toán lính khác đã đến đổi phiên...”, giọng ông Lâm lạc đi. “Tôi không biết chị gái đang mang thai khi hy sinh. Mãi đến sau này má tôi mới kể lại sự việc. Thương chị, thương cháu tôi đã lập bàn thờ với 2 lư hương là vậy...”, ông Trương Hoàng Lâm, em bà Xáng nói.
Sau cuộc giải cứu 300 người, địa đạo bị phía VNCH gài mìn ở nhiều vị trí cửa vào. Một người dân khi chui vào hầm sửa sang để phục vụ chiến đấu đã vấp phải mìn thiệt mạng. 50 năm chị hy sinh cũng là 50 năm địa đạo bị vùi lấp. Năm 2012, liệt sĩ Trương Thị Xáng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bởi công lao to lớn của chị. Dù vậy, dấu tích về địa đạo nơi chị Xáng từng cứu thành công 300 người vẫn ẩn sâu trong lòng đất. Đã có những suy nghĩ tìm lại địa đạo này nhưng địa hình, địa vật thay đổi, khó như mò kim đáy bể. Giữa tháng 4 vừa qua, nhiều người trong làng Bình Túy nảy sinh ý định đào tìm địa đạo dưới sự “chỉ dẫn” của những nhân chứng còn sống bởi theo ông Lâm “50 năm rồi không tìm thì đến bao giờ mới bắt đầu”. Ông Nguyễn Xuân Tuế lục lại trí nhớ: “Tôi được một người dân dẫn xuống địa đạo tại một vị trí có gốc cây sanh rất lớn bị bật gốc. Tôi dám chắc, miệng hầm này nằm tại vị trí nhà bà Võ Thị Ký. Nhìn những gì phát lộ, tôi chắc chắn địa đạo đã được tìm thấy và đúng với đường dẫn mà 50 năm trước tôi từng trú ẩn”, ông Tuế nói.
Mới đây, cán bộ UBND xã Bình Giang đã đến hiện trường cắm biển yêu cầu người dân giữ nguyên hiện trạng. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu địa phương và Phòng VH-TT H.Thăng Bình làm mái che tại miệng hầm để mưa gió không vùi lấp địa đạo, đồng thời giới hạn khu vực để bảo vệ. “Sắp tới, H.Thăng Bình sẽ tổ chức gặp gỡ những nhân chứng liên quan để thống nhất về tư liệu. Sau đó, Sở VH-TT-DL Quảng Nam sẽ trình tỉnh xếp hạng di tích để địa đạo “có danh có phận”. Ngành văn hóa sẽ trình tỉnh bổ sung di tích này vào đề án tu bổ cấp thiết để có sự đầu tư”, ông Cẩm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.