Cái tết của tuổi thơ là những ngày cuối năm theo chân mẹ đi mua sắm tết |
THỦY tIÊN |
Nhớ nhất tuổi thơ khi được theo chân mẹ mua sắm đồ tết
Nguyễn Tuấn Tú (22 tuổi), nhân viên kinh doanh tại Công ty cổ phần xây dựng và nội thất Phú Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tâm sự: “Từ bé đến lớn, năm nào mình cũng mong tết, càng lớn càng ngóng tết hơn. Bởi càng lớn, áp lực bên ngoài càng tăng, thời gian dành cho bản thân, gia đình rất hạn chế. Chính vì vậy, chỉ có tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để gắn kết bên những người thân yêu cũng như có được chút thời gian ngắn dành cho bản thân mình”.
Nhớ lại những khoảnh khắc ngày tết thuở còn bé, Tuấn Tú kể: “Hễ cứ đến ngày 20 tết, mỗi nhà trong thôn đều treo đèn trước cửa nhà làm cho những tuyến đường thôn, xóm sáng trưng. Lũ trẻ con tụi mình ăn cơm tối xong là tụm năm tụm bảy tham gia đủ thể loại trò chơi như: trốn tìm, rượt đuổi nhau, ô ăn quan… Hò hét, giận hờn rồi lại bênh vực nhau… Giờ nghĩ lại càng thêm nhớ”.
Khoảnh khắc mà Tuấn Tú nhớ nhất là lần đầu được đón giao thừa cùng với ba mẹ. “Hồi nhỏ vốn luôn phải ngủ sớm nên không biết lỡ hẹn với giao thừa bao nhiêu lần. Còn nhớ năm 7 tuổi, mình quyết tâm thức tới 0 giờ, gắng căng mắt ra để cùng ba mẹ đón giao thừa, cảm giác rất lạ nhưng rất hạnh phúc. Giờ lớn rồi, thức khuya làm việc nhiều, ngỡ như ngày nào cũng là giao thừa vậy”, Tuấn Tú bộc bạch.
Cái tết tuổi thơ trong tâm thức của Tuấn Tú là cái tết vô lo vô nghĩ, nhưng chứa đầy sự mong đợi và háo hức để được đi chơi cùng đám bạn |
NVCC |
Tương tự, Nguyễn Thanh Định (20 tuổi), ngụ đường số 8, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM nhớ nhất ngày tết tuổi thơ khi được theo chân mẹ đi mua sắm đồ tết. “Hồi còn nhỏ mình thích được đi mua sắm đồ tết với mẹ vô cùng, lúc nào cũng háo hức, giục mẹ xem khi nào mới đi mua đồ, rồi lúc ra chợ cứ đòi mẹ mua thứ này thứ kia, chắc vì tết nên mẹ cũng đều mua cho hết. Được mang trên mình bộ áo quần mới vào ngày đầu năm là mình vui và sung sướng lắm”, Thanh Định nhớ lại.
Trong ký ức tuổi thơ của mình, tết lúc nào cũng náo nhiệt, đông vui
Nguyễn Khắc Ngọc Phượng Châu (27 tuổi), làm nghề tự do tại TP.HCM cho biết, do dịp tết năm nào cũng trùng với sinh nhật nên cô khá phấn khích và mong đợi khi vừa được đón xuân vừa bước sang tuổi mới.
Phượng Châu chia sẻ: “Tết là khoảng thời gian hiếm hoi trong năm được gặp gỡ đầy đủ họ hàng. Do vậy, trong ký ức tuổi thơ của mình, tết lúc nào cũng náo nhiệt, đông vui. Ai cũng mặc quần áo mới, nhiều màu sắc sặc sỡ rồi chúc tết, nhận lì xì, ăn những món truyền thống… Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ đối với mình”.
Niềm háo hức xen lẫn chút lo lắng là cảm xúc của Phượng Châu mỗi dịp tết đến xuân về |
NVCC |
Phượng Châu cho hay bản thân rất thích khoảng thời gian cận tết vì bầu không khí rộn ràng, sôi động, tuy nhiên càng trưởng thành, sự háo hức đón tết trong cô có cảm giác khác với ngày xưa.
“Mình gần 30 tuổi, sự vô tư vô lo của lứa tuổi học sinh, sinh viên đã phải nhường chỗ cho sự bộn bề, lo toan trong cuộc sống. Mặt khác, những tình hình biến động về kinh tế, dịch bệnh… cũng khiến mình lo lắng hơn khi năm mới đến. Tiếc là những mùa tết gần đây, do sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, mình cảm nhận mọi người đã ít hỏi han, quan tâm nhau hơn trước mà tập trung nhiều hơn vào những bức hình lung linh “sống ảo” hay những niềm vui khác ở điện thoại cá nhân. Lì xì dần không còn mang ý nghĩa mong nhận được may mắn nữa mà chỉ còn là hình thức buộc phải có và bị biến tướng vật chất hoá” đi”, Phượng Châu nói.
Lê Văn Thùy (27 tuổi), ngụ thôn 7, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết bản thân không còn cảm giác háo hức tết nhiều như ngày xưa nữa. “Ngày xưa mình không cần phải suy nghĩ gì hết, chỉ biết đến tết là được vui chơi cho thoải mái tinh thần. Tết đến rất vui vì được nhận lì xì, được ăn mặc đẹp và gia đình đoàn viên hạnh phúc. Bây giờ lớn rồi nên có nhiều thứ phải suy nghĩ, nhiều công việc phải làm, rồi phải đối mặt với nhiều câu hỏi như đang làm công việc gì, khi nào có vợ…”, Văn Thùy chia sẻ.
Bình luận (0)