Và như trăm ngàn lần khác, cơn vật vã của các bạn Mỹ bắt đầu. “Tai” thì OK, dễ gọi (dù họ toàn kêu “Thai, Thai”, sửa bao lần cũng không được). Tới chữ “Nguyen”, cổ kêu tôi đọc lại lần nữa. Tôi chầm chậm, phát âm rõ ràng “Nguyen”. Vậy mà cổ nỡ lòng nào hết “Ngu chần”, tới “Ngu iên”, “Nien”, rồi chuyển qua “Quyen”, và một nùi cách đọc khác nhưng đều bị tôi lắc đầu kêu không đúng.
Cuối cùng cổ la khó quá, làm sao bây giờ. Tôi nói thôi, không cần gọi là “Mr. Nguyen” đâu. Kêu “Tai” đi cho gọn.
tin liên quan
17 năm ở Mỹ: Quê người, đất kháchSáng nay, sau buổi họp đầu tuần, tôi nói với sếp: “Tôi muốn về thăm nhà ít tuần”. Sếp vừa cười vừa bảo: “If you need to go, just go! But this is your home, Tài”. (Nếu mày thích thì cứ đi, nhưng đây mới là nhà của mày).
Tôi xa xứ, lìa quê thoáng chốc đã mười bảy năm dài đằng đẵng. Tiếng Anh giờ cũng khá nhiều rồi, dù thỉnh thoảng phát âm vẫn lòi ra giọng Việt. Nhưng may mắn tiếng mẹ đẻ vẫn chưa quên.
Về Việt Nam không cần đôi ba ngày để bắt nhịp. Nói một hồi người ta bảo đi bao nhiêu năm vẫn còn rặt chất Ninh Hòa, không đổi. Máu thịt của mình mà. Quên được sao đa!
Ở quê, chị tôi vẫn giữ cuốn sổ bìa đen, giấy hẩm, cất trong góc tủ thờ, ngày xưa thỉnh thoảng thấy má lấy ra mân mê, ngắm nghía rồi ngậm ngùi khóc nhớ. Má nói, sau này già cả, sợ lú lẫn, quên trước quên sau, nên từ lúc mới sinh tụi bây ra, ba bây đã cẩn thận ghi chép ngày sanh tháng đẻ vô đây để nhớ.
Bao nhiêu năm dâu bể, cuốn sổ đã sờn gáy, bạc nhàu bởi tháng năm và những lần ba má lấy ra săm soi ngắm nghía. Từng trang giấy là từng số phận, cuộc đời của những đứa con ba má rứt ruột đẻ ra, ẵm bồng và nuôi khôn lớn. Từng cái tên là từng ước muốn, niềm tin ba má chắt chiu, ấp ủ đặt vào, từ lúc mang thai, cho tới ngày khai hoa nở nhụy.
tin liên quan
Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về - Kỳ cuối: Đừng mơ lãnh tiền trợ cấpNhiều người bên nhà vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi.
Tụi con giờ trưởng thành, mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Người còn, kẻ mất. Đứa nhắm mắt, lìa bỏ cuộc đời khi còn thơ bé. Đứa ở quê làm ruộng, nấu rượu đắp đổi qua ngày. Đứa miên viễn, thiên di, tha hương cầu thực. Năm thì mười thuở gặp nhau, ăn bữa cơm gia đình, bùi ngùi nhắc chuyện ngày xưa.
Chạnh lòng tự hỏi, hổng biết tụi con có sống trọn vẹn với ước mơ ngày nào ba má hằng mong mỏi hay không?
Thỉnh thoảng nhiều người cũng bảo, sao không lấy tên Tây, tên Mỹ đi cho dễ gọi. Dù sao cũng sống xứ người ta, mà giữ cái tên Việt hoài cũng… chướng. Xa nhà, lìa xứ, không ăn được món quê, nói tiếng Việt mỗi ngày đã là một nỗi đau đời khôn tả. Ba má cũng về trời hết rồi. Nghĩa là một phần đời, chút nguồn cội trong mình cũng đã lung lay, cắt đứt.
Giờ có cái tên cúng cơm làm kỷ vật mà cũng đổi nữa thì bạc biết là bao. Thôi thì ráng giữ cái tên ba má đặt cho, để sau này khỏi bỡ ngỡ, lúc quay về, khi chồn chân, mỏi gối.
Bình luận