Kỷ vật của 'những linh hồn bất tử'

18/08/2013 11:00 GMT+7

13 kỷ vật do các cựu binh Úc, New Zealand thu thập, lưu giữ trong thời gian tham chiến tại Việt Nam vừa được trao lại 10 gia đình ở Bình Định và Đà Nẵng, làm sống lại ký ức một thời bi tráng…

>> Trao trả 13 kỷ vật chiến tranh
>> Cựu binh Úc trao kỷ vật chiến tranh

Đây là một phần của dự án “Những linh hồn phiêu bạt”, do Trung tâm nghiên cứu xung đột vũ trang và xã hội của Úc, Đại học New South Wales, thực hiện. Trong tháng 7 và tháng 8.2013, đại diện dự án đã có mặt tại VN để trả lại Chính phủ VN, các cựu chiến binh và các gia đình thân nhân liệt sĩ những tài liệu, kỷ vật cá nhân đã được các cựu binh Úc và New Zealand thu thập tại chiến trường VN từ năm 1966 - 1971. Dự án cũng đã cung cấp cho VN thông tin từng trận đánh có sự tham gia của quân đội Úc, New Zealand và cung cấp vị trí chôn cất hơn 3.790 liệt sĩ.

 Nhà nghiên cứu Derrill de Heer kể về quá trình cựu binh G.W.Dennis phát hiện, cất giữ bức chân dung cụ Diễn
Nhà nghiên cứu Derrill de Heer kể về quá trình cựu binh G.W.Dennis phát hiện,
cất giữ bức chân dung cụ Diễn

 

Nghĩa cử của Dennis là minh chứng cho tình người vượt lên sự tàn bạo, độc ác khủng khiếp của chiến tranh

Hồi ức về một thời hào hùng

Càng về già, ông Huỳnh Hữu n (65 tuổi, ở đường Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) càng hoài niệm về những năm tháng phục vụ trong quân ngũ. Đó là khoảng thời gian ông và đồng đội chiến đấu, bám từng ngôi làng, giữ từng mảnh đất trên chiến trường Tây nguyên. “Bộ sưu tập” những kỷ vật kháng chiến mà ông n gìn giữ, nâng niu mấy mươi năm qua vừa bổ sung thêm 4 bức thư do ông viết gửi về cho gia đình nhưng bị thất lạc, được những người bên kia chiến tuyến trao trả.

Lật xem lại từng lá thư gửi cho cha (trong thư gọi là cậu) và cô Tám năm xưa, đôi bàn tay ông n run run, nước mắt chảy dài. Ông vân vê mãi lá thư dài 4 trang giấy, trong đó có đoạn: “Kể từ khi xa gia đình đến nay, cháu cũng rất nhớ gia đình, cậu, má, bà và các cô lắm. Nhớ những khi gia đình cùng sum họp một nhà rất là vui sướng biết bao. Nhưng vì bọn Mỹ cướp nước đang giết hại đồng bào ta, trong đó có gia đình mình cũng đau khổ lắm đấy. Nhưng làm trai không sao quên được những lúc nước nhà đang trong cơn nguy biến như vậy. Nên cháu phải tạm xa gia đình quê hương ra đi làm nhiệm vụ cứu nước cứu nhà...”.

Ông n viết bức thư này vào ngày 11.10.1968, ngay sau khi nhận được thư của cha và cô Tám. Từ sau bức thư này, ông còn viết thêm rất nhiều thư khác gửi về cho gia đình nhưng mãi không thấy hồi âm. “Lúc đó tôi rất lo lắng, nhất là khi nghe quê nhà đang bị địch càn quét dữ dội. Tôi luôn nghĩ đến những tình huống như: giao liên mang thư đi đã bị địch bắt hoặc gia đình đã xảy ra chuyện không may… Nhiều lần nhớ nhà, nhớ gia đình, tôi đã ra bờ suối khóc một mình”, ông n tâm sự.

 Tiến sĩ Bob Hall, đại diện dự án “Những linh hồn phiêu bạt” trao lại những lá thư bị thất lạc gần 45 năm cho ông Huỳnh Hữu n
Tiến sĩ Bob Hall, đại diện dự án “Những linh hồn phiêu bạt” trao lại những lá thư bị thất lạc
gần 45 năm cho ông Huỳnh Hữu n

Nhà báo Đặng Trường Sơn, phóng viên Đài phát thanh - truyền hình Bình Định, tâm sự rằng đọc hai bức thư mà cha mình (cố nhà văn, nhà báo Hà Giao, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bình Định) gửi về cho bà nội, bạn bè (ông Kim Anh), anh rất tự hào về gia đình. Những bức thư này được nhà báo Hà Giao viết vào tháng 11.1968, khi ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Trong thư gửi mẹ, nhà báo Hà Giao viết: “Con mừng bà con xóm làng mình trước sau vẫn một lòng theo cách mạng tuy là có ác liệt hy sinh và làm ăn còn khó khăn. Con mừng vì Đảng chú ý chăm sóc cho Hồng Giang của con, của mẹ được đi học. Thưa mẹ, hồi Xuân còn sống, chúng con tham gia công tác cách mạng vì sự nghiệp chung, nhưng cũng vì tương lai con của chúng con. Nay Xuân đã hy sinh rồi, Đảng vẫn biết ơn gia đình mình, quý trọng công tác của Xuân…”.

Theo nhà báo Đặng Trường Sơn, Xuân là tên người vợ trước của cha anh và Hồng Giang là con của hai người. Sau khi cô Xuân hy sinh, trong lần ra bắc chữa trị vết thương, nhà báo Hà Giao xây dựng lại gia đình với mẹ nhà báo Đặng Trường Sơn. Anh Hồng Giang từng làm cảnh sát giao thông, hiện đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại Bình Dương. Ngoài ra, trong thư gửi về cho mẹ, nhà báo Hà Giao còn nhắc đến tên anh, chị, em và các cháu trong gia đình... “Từ những dòng tâm sự trong thư, cha tôi đã thể hiện là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người con, người cha, người chú, người bạn... đầy tình cảm. Rất tiếc, những lá thư này gia đình chúng tôi nhận lại được sau khi cha đã mất gần 2 năm...”, nhà báo Đặng Trường Sơn nói.

Bức chân dung lưu lạc hơn 40 năm

Cầm trên tay bức chân dung của mẹ mình là cụ Phan Thị Diễn (1905-1985), ông Vũ Năng Luyện (ở Q.Hải Châu, Đà Nẵng), còn có tên gọi là Lê Sang, nghẹn ngào không nói nên lời. Nhà nghiên cứu Derrill de Heer, cựu binh Úc, thành viên dự án “Những linh hồn phiêu bạt”, cho biết bức chân dung này do một cựu binh Úc có tên G.W.Dennis (cố vấn người Úc, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 1) thu lượm khi cùng đồng đội ở trong một ngôi làng vừa bị tấn công. Thấy ngôi nhà đang cháy,

 Ông Huỳnh Hữu n nghẹn ngào khi đọc lại những lá thư của mình năm xưa
Ông Huỳnh Hữu n nghẹn ngào khi đọc lại những lá thư của mình năm xưa 

Dennis tới kiểm tra thì phát hiện một khung ảnh bị vỡ với tấm hình có vài dòng chữ ghi ở mặt sau. Cho rằng đây là tấm ảnh gia truyền nên ông đã cất giữ. Khi về nước, Dennis nghĩ rất nhiều về bức chân dung và hy vọng có dịp được trao trả cho gia đình có người trong ảnh.

Ông Luyện cho biết bức chân dung này được họa sĩ Lê Đình Sung (1931-2007), con thứ 4 của cụ Diễn, vẽ mẹ mình vào năm 1962. Những dòng chữ sau bức chân dung là tên 9 người con của cụ. Sinh thời, cụ Diễn cùng chồng là Lê Anh Hào sinh sống ở thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam và có với nhau 9 người con (5 trai, 4 gái). Cụ Hào là một họa sĩ, tham gia kháng chiến và hy sinh vào năm 1968. Hai người con của cụ tham gia giải phóng quân cũng đã hy sinh là các ông Lê Ngọc Bút, Lê Kim Nghiên. Cụ Diễn được phong Mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994.

Chị em ông Luyện không bao giờ nghĩ gia đình có thể tìm lại được bức chân dung của mẹ. Trong một lần đọc báo, thấy có bức chân dung do một cựu binh Úc cung cấp, thông báo muốn trả lại cho gia đình, ông Luyện nhận ngay ra đó là bức vẽ mẹ mình. “Đi nhận lại bức tranh mà tôi cảm thấy như được gặp lại mẹ và em trai. Cuộc hội ngộ ly kỳ mang dấu ấn tâm linh này có thể đã không xảy ra và bức tranh đã có thể trở thành tro bụi trong chiến tranh, nếu nó không được cựu binh Dennis cất giữ. Nghĩa cử của Dennis là minh chứng cho tình người vượt lên sự tàn bạo, độc ác khủng khiếp của chiến tranh”, ông Luyện nói.  

'Đồng đội của chúng tôi bất tử'

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhìn nhận: 'Tháng 5.2013, làm việc với các thành viên của dự án 'Những linh hồn phiêu bạt', chúng tôi xác minh có 96 lá thư bị thất lạc là của bộ đội quê quán tỉnh Bình Định hoạt động ở chiến trường gửi cho người thân hoặc người thân gửi cho bộ đội ở chiến trường. Phía bạn gọi các liệt sĩ là “những linh hồn phiêu bạt”, nhưng chúng tôi gọi là 'những linh hồn bất tử', bởi vì đồng đội của chúng tôi vẫn sống mãi với chúng tôi hôm nay và các thế hệ mai sau'.

Bài, ảnh: Hoàng Trọng

>> Kỷ vật Mậu Thân, đất lửa Vĩnh Lộc và 32 người con anh dũng
>> Những kỷ vật thiêng liêng
>> Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 4: Ước mơ cao đẹp
>> Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 3: Cảm nhận từ trang sách
>> Triển lãm ảnh “Những kỷ vật vượt thời gian”
>> Kỷ vật từ lòng đất
>> Làm sống lại lịch sử qua kỷ vật
>> Tiếp nhận kỷ vật trong cuộc Tổng tiến công 1968
>> Tìm được kỷ vật sau gần 70 năm
>> Kỷ vật một thời oanh liệt
>> Cựu binh già và kỷ vật lạ lùng
>> Kỷ vật lạ lùng của một cựu bác sĩ quân y Mỹ
>> Những kỷ vật còn lại
>> Kỷ vật trở về - Kỳ 1: Cuốn sách của cha
>> Kỷ vật của hai cựu binh Úc
>> Cựu binh Úc trao kỷ vật cho gia đình liệt sĩ
>> Trao kỷ vật chiến tranh sau 42 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.