Thế nhưng, năm nay, sự chờ đợi và kỳ vọng còn lớn hơn rất nhiều bởi nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Cũng vì thế, hội nghị năm nay có nhiều điểm khác biệt so với mọi năm. Về hình thức, để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch Covid- 19, thay vì gặp trực tiếp, hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, nên cộng đồng gần 800.000 doanh nghiệp (DN) và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đều có thể theo dõi. Về nội dung, thay vì tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cụ thể của các DN, chủ trương của Chính phủ là tập trung lắng nghe các đề xuất, hiến kế, giải pháp để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ đưa ra thông điệp phát triển trong thời gian tới. Định hướng này là hết sức đúng đắn và cần thiết bởi có một thực tế diễn ra ở nhiều hội nghị trước là không ít DN “tranh thủ” cơ hội này để trình bày những vụ việc cụ thể của đơn vị mình.
Thậm chí có công ty còn tận dụng quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ... gây phản cảm cho các đại biểu tham dự. Nhưng bối cảnh hiện nay không cho phép chúng ta mất thời gian cho những việc tương tự. Khó khăn, vướng mắc, nội lực cạn kiệt, thiếu vốn sản xuất, đơn hàng bị hủy, các thị trường xuất khẩu gặp khó, dịch vụ không có khách... đều đã được các DN, hiệp hội phản ánh khá nhiều, khá cụ thể trong suốt thời gian qua. Trước cuộc họp này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã có thực hiện khảo sát khá rộng về sức khỏe của cộng đồng DN. Vì vậy, kể lể thêm cũng không để làm gì. Quan trọng hơn là việc hiến kế, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả, nhanh chóng, mạnh để vực dậy sản xuất, kinh doanh, vực dậy nền kinh tế.
Một khảo sát bỏ túi của chúng tôi tiến hành với một số doanh nhân lớn cũng cho thấy, định hướng của Chính phủ trong hội nghị lần này là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của họ. Ngoài ra, DN cũng kỳ vọng, hội nghị sẽ thúc đẩy các giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang triển khai được thực hiện nhanh hơn, thực chất hơn để tránh tình trạng “chết rồi” mới được cứu thì đã muộn.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, việc các thị trường lớn như Mỹ, EU... vẫn đang vất vả kiểm soát dịch bệnh cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, ngay cả khi chúng ta đã làm chủ được tình hình. Khó là chắc rồi nhưng cơ hội cũng không phải không có. Chưa bao giờ, hình ảnh một Việt Nam an toàn, một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và mang lại thành công lại lan tỏa như hiện nay trong khi thế giới đang có một cuộc luân chuyển mạnh mẽ các nhà máy, cơ sở sản xuất để tránh rủi ro tập trung vào một thị trường. Vậy làm thế nào để chúng ta đón được dòng vốn này? Làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế ngay khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh? Làm thế nào để xuất khẩu nhiều nhất, giá tốt nhất các nông sản, hàng hóa tới các nước vẫn đang gồng mình chống đỡ với dịch bệnh?
Không chỉ có DN kỳ vọng vào hội nghị hôm nay mà chắc chắn, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đang kỳ vọng những ý tưởng, kế sách hay, đột phá cũng sẽ được các doanh nhân cống hiến để cùng chung tay vực dậy nền kinh tế đi qua đại dịch.
Bình luận (0)