Kỳ vọng đột phá cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Khánh An
Khánh An
13/09/2018 08:00 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh tại San Francisco, Mỹ được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu .

Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu (GCAS) diễn ra từ 12 - 14.9 là sự kiện bản lề quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 24 của LHQ về biến đổi khí hậu tại Ba Lan vào tháng 12 (COP24). Đây là cơ hội để các bên củng cố thêm quyết tâm và đồng thuận tiến tới thông qua bộ quy tắc khung về chống biến đổi khí hậu. Bộ quy tắc sẽ cụ thể hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris do gần 200 quốc gia, trong đó có VN, ký kết tại thủ đô Paris của Pháp năm 2015. PV Thanh Niên có mặt tại hội nghị theo lời mời của Mạng lưới báo chí trái đất (Earth Journalism Network) thuộc Tổ chức Truyền thông Internews, trụ sở chính tại Mỹ.
Triển vọng lớn
Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu (GCAS) là sự kiện đầu tiên được tổ chức với sự phối hợp của LHQ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn từ nhiều nước với mục tiêu thúc đẩy hành động để cắt giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu từ năm 2020. Tại GCAS sẽ có 325 sự kiện lớn nhỏ xoay quanh 5 nhóm chủ đề chính gồm hệ thống năng lượng bền vững; tăng trưởng kinh tế toàn diện; các cộng đồng bền vững; đầu tư đột phá vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu; quản lý đất và đại dương
Theo nghiên cứu “Cơ hội với khí hậu” do LHQ giới thiệu tại hội nghị, các chính sách về chống biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra gần 14 triệu việc làm tại các đô thị trên thế giới, đồng thời giúp 1,3 triệu người tránh khỏi nguy cơ tử vong vì các vấn đề liên quan đến khí hậu. Nghiên cứu do các tổ chức C40 Cities, Viện Khí hậu mới (Đức) và Hiệp ước Toàn cầu của các thị trưởng về khí hậu và năng lượng (GCOM) đồng thực hiện còn cho thấy những chính sách phù hợp ở đô thị sẽ giúp thế giới tiết kiệm hàng tỉ USD hằng năm. Những định hướng phù hợp bao gồm đầu tư vào tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí tại các hộ gia đình cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các chính sách như phát triển dịch vụ giao thông công cộng sẽ giúp người dân tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí, giúp giảm tỷ lệ tử vong sớm do bệnh tật và tai nạn giao thông.
Trả lời Thanh Niên, Tổng giám đốc C40 Cities Mark Watts nhấn mạnh viễn cảnh tốt đẹp nếu thế giới chung sức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: thời tiết ổn định hơn, giảm thiểu các đợt thiên tai bất thường, sức khỏe người dân được cải thiện và nền kinh tế ngày càng phát triển bền vững. “Các biện pháp, chính sách đúng đắn sẽ tạo thêm việc làm trong lĩnh vực phát triển xanh, cắt giảm chi phí năng lượng và kéo dài tuổi thọ người dân”, ông Watts nói. Theo chuyên gia Thomas Day dẫn đầu nhóm nghiên cứu, 73% khí nhà kính toàn cầu xuất phát từ các đô thị lớn nên cần hành động quy mô lớn và khẩn cấp nhằm đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris. C40 Cities do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thị trưởng London khi đó là Ken Livingstone thành lập năm 2005, kết nối các chính quyền của 40 đô thị lớn trên thế giới vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Chủ tịch hiện nay của tổ chức này là Thị trưởng Paris Anne Hidalgo.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích đã được giới khoa học chứng minh, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn đang gặp thách thức lớn vì thiếu quyết tâm chính trị và đồng thuận giữa các nước. Trong đó, các chuyên gia cảnh báo thế giới khó đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và duy trì mức tăng nhiệt độ trái đất không quá dưới 2oC đến năm 2030. Tại vòng đàm phán ở Bangkok (Thái Lan) từ ngày 5 - 9.9, các nước phát triển bị cho là không tuân thủ cam kết gây quỹ 100 tỉ USD (2,33 triệu tỉ đồng) để giúp các nước đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu, khiến Thỏa thuận Paris rơi vào thế bế tắc.
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Harjeet Singh thuộc Tổ chức ActionAid cảnh báo: “Nếu họ không giữ cam kết về tài chính, các nước đang phát triển sẽ không thể triển khai hoạt động hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận sẽ đổ vỡ. Chúng ta còn cả núi việc phải giải quyết trước thềm hội nghị tại Ba Lan”. Thủ tướng Fiji Josaia Voreqe Bainimarama, Chủ tịch COP23 tại Đức vào năm ngoái, cũng nhận định chính phủ các nước vẫn chưa sẵn sàng cho hội nghị năm nay tại Ba Lan. “Liệu có ai trong chúng ta muốn trở về nói với người dân rằng chúng ta có cơ hội làm điều gì đó thật sự cần thiết và vĩ đại cho thế giới và thế hệ con cháu, nhưng chúng ta không đủ ý chí để tiến hành không?”, ông Bainimarama chất vấn.
(từ San Francisco, Mỹ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.