Kỳ vọng gì ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024?

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
08/11/2024 06:46 GMT+7

Tối qua 7.11, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) với khẩu hiệu Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh. Liên hoan phim diễn ra đến ngày 11.11 nhằm giao lưu, hợp tác, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, dấu ấn sáng tạo nổi bật của quốc tế và VN.

Nhiều hoạt động ấn tượng

Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội 2024 (HANIFF) do Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND TP.Hà Nội chỉ đạo, Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Kỳ vọng gì ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024?- Ảnh 1.

Các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất phim, diễn viên quốc tế tại lễ khai mạc HANIFF 2024 tối qua

ẢNH: TTXVN

Ở lần thứ 7 năm nay (lần đầu vào năm 2010 - dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và định kỳ 2 năm 1 lần), HANIFF gây ấn tượng với số lượng phim tham dự lớn ở các hạng mục tranh giải và không tranh giải, từ nhiều vùng quốc gia và lãnh thổ. Trong 117 phim dài và phim ngắn tham dự, có đến 65 phim quốc tế và 52 phim VN.

Ở hạng mục quan trọng nhất - phim truyện dài, gồm 10 phim dự thi thì có 9 phim nước ngoài: Thụy Sĩ, Nga, Bỉ - Pháp, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, và 1 phim của VN là Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (cũng là phim được chọn chiếu khai mạc LHP; giới chuyên môn, khán giả đánh giá đây là phim chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh hay nhất từ trước đến nay).

Chương trình "Điện ảnh VN đương đại" của LHP trình chiếu 34 phim Việt thuộc nhiều thể loại như: Bên trong vỏ kén vàng, Bà già đi bụi, Gặp lại chị bầu, Kẻ ẩn danh, Mai, Nhà bà Nữ...

Trong 19 phim ngắn dự thi, có 11 tác phẩm nước ngoài đến từ Colombia, Trung Quốc, Iran, Serbia, Campuchia, Mỹ, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Hy Lạp và 8 phim của nước chủ nhà, phân bố ở nhiều thể loại như tài liệu, hoạt hình, phim truyện…

Có thể thấy, các phim tham gia đa sắc màu, phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo, hứa hẹn một kỳ LHP sôi nổi, sống động, giàu bản sắc. HANIFF năm nay còn có nhiều điểm nhấn ấn tượng, trong đó lễ bế mạc và trao giải đều được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm.

LHP có nhiều sự kiện bên lề như Triển lãm "Các di sản của VN đi qua các thước phim điện ảnh" do Viện Phim VN chủ trì thực hiện, trưng bày khoảng 200 hình ảnh trong phim của những nhà làm phim trong nước và quốc tế quay hình tại các di sản của VN đã được UNESCO công nhận; 2 hội thảo được tổ chức vào ngày 8 - 9.11 với chủ đề "Tiêu điểm điện ảnh Đức" và "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học".

Ngoài ra còn có "Chợ dự án phim" - một trong những hoạt động được người làm nghề trên thế giới quan tâm nhất trong các LHP, bởi đây là nơi phát hiện, tìm kiếm tài năng trẻ cũng như hỗ trợ các nhà làm phim trẻ tìm kiếm nguồn tài chính sản xuất phim. Tại HANIFF 2024, "Chợ dự án phim" diễn ra từ ngày 8 - 10.11 với 8 dự án vào vòng chung tuyển từ hơn 70 dự án gửi về, trong đó có 4 dự án quốc tế đến từ Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh và 4 dự án của VN.

Đêm khai mạc tối qua, sân khấu được dàn dựng lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống, đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội; đồng thời đầu tư công phu với những màn biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc dân gian, trình diễn ánh sáng… với sự góp mặt của các ca sĩ: Mỹ Linh, Mỹ Anh, Hà Lê, Lâm Bảo Ngọc, Phạm Anh Duy.

Cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh

Ban tổ chức LHP quốc tế Hà Nội 2024 mong muốn tiếp tục giữ vững và khẳng định "HANIFF là một điểm đến điện ảnh hấp dẫn, một điểm hẹn định kỳ đối với những nghệ sĩ, nhà làm phim quốc tế; một địa chỉ văn hóa đối với những người yêu nghệ thuật thứ 7, yêu Hà Nội".

Kỳ vọng gì ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024?- Ảnh 2.

Các nghệ sĩ Việt tại HANIFF 2024

ẢNH: ĐÀO ANH VŨ

Năm nay, ngoài tổng số 85 buổi chiếu phim miễn phí tại 3 địa điểm: Trung tâm Chiếu phim quốc gia, rạp CGV Mipec, BHD Phạm Ngọc Thạch, ban tổ chức còn phối hợp Trung tâm Văn hóa điện ảnh Hà Nội chiếu phục vụ tại các quận, huyện của Hà Nội để lan tỏa giá trị và ý nghĩa của LHP. Fanpage, website của HANIFF 2024 cập nhật thông tin liên tục giúp khán giả có thể đến nhận vé xem các bộ phim chất lượng, trải nghiệm không gian văn hóa điện ảnh quốc tế ngay giữa lòng thủ đô.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết: "LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7 nhằm phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh; giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới; kết nối, giao lưu hợp tác để cùng phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh VN, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế. Bên cạnh đó, LHP góp phần quảng bá thủ đô Hà Nội với truyền thống văn hóa lâu đời, có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố đang phát triển mạnh mẽ được UNESCO bình chọn là Thành phố sáng tạo. Các rạp chiếu phim có chất lượng tốt nhất và địa điểm chiếu phim ngoài trời tại Hà Nội đã được chúng tôi chọn lựa kỹ lưỡng, để chiếu các bộ phim tham dự LHP, nhằm phục vụ khán giả một cách tốt nhất".

Sự kiện quan trọng đối với điện ảnh VN

Tham dự lễ khai mạc HANIFF 2024 có bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Phó trưởng Ban chỉ đạo LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7; ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; cùng đông đảo nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà sản xuất trong nước và quốc tế cùng góp mặt.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tạ Quang Đông cho biết HANIFF là sự kiện quan trọng đối với điện ảnh VN, tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, giúp các nhà làm phim VN gặp gỡ và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đạo diễn, nhà sản xuất, nghệ sĩ điện ảnh quốc tế, đồng thời tiếp cận xu hướng và công nghệ làm phim tiên tiến, phục vụ việc sản xuất phim chất lượng cao. LHP cũng là dịp để những người làm nghề trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, hợp tác thông qua các hoạt động chuyên môn chất lượng cao.

Là một trong 8 nhà làm phim được chọn góp mặt trong "Chợ dự án" thuộc khuôn khổ LHP, nhà làm phim Marcus Mạnh Cường Vũ hào hứng chia sẻ với Thanh Niên: "Nơi khởi nguồn của phần lớn các bộ phim hướng đến quốc tế thường bắt đầu từ chợ dự án trong khuôn khổ một LHP quan trọng. Đây là cơ hội để tôi được gặp gỡ, kết nối với những nhà làm phim khác từ VN và nước ngoài, trong bối cảnh sự phối hợp sản xuất các bộ phim ngày càng mang tính quốc tế cao hơn".

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ việc Ngày xưa có một chuyện tình được đại diện VN tranh giải cũng như được chọn chiếu khai mạc "là một vinh dự lớn dành cho bản thân và ê kíp". Anh nói: "Sự lựa chọn này cho thấy ban tổ chức muốn tìm một bộ phim thể hiện đời sống tinh thần VN với ngôn ngữ điện ảnh tiệm cận ngôn ngữ chung của điện ảnh thế giới, nhưng vẫn rất riêng của nhà làm phim. Tôi cũng hy vọng bộ phim sẽ giới thiệu hình ảnh khác của VN: êm đềm, hoài niệm, rất khác so với hình ảnh của thời hiện đại. Đây là cơ hội để bộ phim có thể đi xa hơn tới các LHP trong khu vực và LHP quốc tế khác". 

Thủy Lê 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết năm nay có khoảng 800 đại biểu là khách mời trong nước và quốc tế đến Hà Nội tham dự LHP. Giống như các lần tổ chức trước, HANIFF 2024 đi sâu vào chuyên môn với dàn khách mời quốc tế uy tín trong lĩnh vực điện ảnh. Trong đó, có ông Kim Dong-ho - người sáng lập và cựu chủ tịch của LHP quốc tế Busan; ông Philip Cheah - cố vấn chương trình cho nhiều LHP quốc tế và châu Á như LHP quốc tế Thượng Hải, LHP quốc tế Dubai…

Ở hạng mục Phim dài dự thi, Ban giám khảo gồm: nhà sản xuất phim Mỹ William Pfeiffer (Chủ tịch Ban giám khảo); nhà phê bình phim Hungary Teréz Vincze; đạo diễn - biên kịch Đức Sophie Linnenbaum; đạo diễn - nhà sản xuất Thái Lan Chartchai Ketnust; diễn viên VN Hứa Vĩ Văn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.