Kỳ vọng sức mạnh kinh tế Việt Nam

03/09/2023 08:24 GMT+7

Kinh tế Việt Nam đã có những phát triển tích cực trong nhiều thập niên qua.

Trong bối cảnh hiện nay tuy còn đối mặt nhiều thách thức, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa với nguồn lực quốc gia sẵn có, "chữa trị" các yếu kém bằng phương pháp khoa học thật nhanh, đồng thời kích hoạt "động cơ" nội lực kinh tế hoạt động đồng bộ để toàn dân, toàn quốc đi vào sản xuất.

CẦN NHANH CHÓNG ĐỂ CÓ MỘT NỀN KINH TẾ TRỌNG CUNG

Nhìn lại hành trình phát triển kinh tế Việt Nam, chúng ta trải qua các giai đoạn đều có tính bước ngoặt. Thời kỳ đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế kháng chiến (1945 - 1954). Thời kỳ 1955 - 1975 khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất. 1976 - 1985 là thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Bước ngoặt bứt phá bắt đầu khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới nền kinh tế (1986 - 2000) và bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng (từ 2001 đến nay) với nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Thời kỳ nào cũng đối mặt nhiều thách thức và khó khăn, nhưng chúng ta đã nỗ lực vượt qua để đưa đất nước tiến lên. Nếu như GDP chỉ đạt khoảng 13 tỉ USD năm 1986 với bình quân GDP là 235 USD/người, thì năm 2020 GDP đã tăng lên 340 tỉ USD và bình quân GDP là 3.520 USD/người, gấp khoảng 15 lần so với năm 1986 bắt đầu công cuộc đổi mới. Đến 2022, GDP tiếp tục tăng lên 409 tỉ USD, bình quân GDP hơn 4.000 USD/người.

Kỳ vọng sức mạnh kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng, muốn thoát nghèo là quốc gia phải có thật nhiều sản phẩm để bán, xuất khẩu. Trong ảnh là cảng Cát Lái, TP.HCM.

Hoàng Quân

Chỉ số xuất khẩu hàng hóa cũng liên tục tăng theo quy mô GDP, có thời điểm xuất siêu. Đó là tín hiệu tích cực. Trong khu vực Đông Nam Á, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 5. Việt Nam xếp sau Indonesia (GDP khoảng 1.290 tỉ USD), Singapore (khoảng 599 tỉ USD), Thái Lan (khoảng 534 tỉ USD), Malaysia (khoảng 434 tỉ USD) và xếp ngay trên Philippines (khoảng 404 tỉ USD). Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 về quy mô kinh tế. Indonesia đứng thứ 17, Thái Lan đứng thứ 26, Malaysia đứng thứ 35…

Đầu năm 2023, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những giai đoạn tiếp theo. Nghị quyết số 81 năm 2023 của Quốc hội khóa 15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng đã đặt ra mục tiêu: GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành, lần lượt đạt khoảng 7.500 USD đến năm 2030 và khoảng 27.000 - 32.000 USD đến năm 2050.

Như vậy, có thể nói tiếp tục tăng trưởng, thoát nghèo, thoát nợ là một mục tiêu lớn của chúng ta. Đất nước ta có 100 triệu dân, là quốc gia đang phát triển. Từ kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng, muốn thoát nghèo là quốc gia phải có thật nhiều sản phẩm để bán.

Đó là nền kinh tế trọng cung. Vì vậy, từ hộ gia đình cho đến các doanh nghiệp trên toàn quốc phải làm ra thật nhiều sản phẩm. Sản phẩm ở đây có nghĩa cứng và mềm, gọi chung là sự lao động chân tay, trí óc để tạo ra được sản phẩm (một cái bánh để ăn hay một phần mềm IT cũng gọi là sản phẩm).

Nền kinh tế trọng cung là xã hội tôn trọng người làm ra sản phẩm, dùng các biện pháp mạnh để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm, đề cao mặt cung cấp của các hoạt động kinh tế, dịch chuyển doanh nghiệp nhà nước sang kinh tế tư nhân, nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng, từ đó nâng cao tốc độ tăng trưởng thực tế mà không gây ra áp lực lạm phát.

TOÀN DÂN ĐI VÀO SẢN XUẤT

Lãnh đạo quốc gia nên theo dõi sát sao về tổng sản phẩm của toàn xã hội mà các bộ, ngành đang quản lý trực tiếp về sản phẩm, báo cáo cái gì mới nhất, làm thêm ra được bao nhiêu sản phẩm, và giao chỉ tiêu sản phẩm của từng ngành nghề như giao doanh số hằng quý, hằng năm. Kết quả là tính ở sản phẩm được tạo ra chứ không phải chỉ là kết quả của việc mở ra nhiều doanh nghiệp...

Kích hoạt "động cơ" nội lực kinh tế hoạt động đồng bộ để toàn dân, toàn quốc đi vào sản xuất hiệu quả, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho ra sản phẩm được cái gì, bao nhiêu, cần hỗ trợ họ cái gì... Có như vậy các nhà quản lý nhà nước mới xem việc của doanh nghiệp như là việc của họ. Họ sẽ sát cánh với các chính quyền địa phương và đồng hành cùng với doanh nghiệp.

Kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp cần phải nhân rộng nhanh, cấp bách để tạo được phong trào toàn dân đi vào sản xuất. Và như vậy sẽ tháo gỡ các rào cản mà nền kinh tế đang bị yếu kém. Tạo được sự bứt phá thì hàng hóa của ta mới ra được biển lớn ở đại dương.

Đất nước ta đang có không ít công chức các cấp chưa thấu hiểu được việc này nên gây ra tệ quan liêu, trì trệ. Đó cũng là nhân tố kìm hãm, suy yếu nền kinh tế của quốc gia. Cần xem xét sự thiệt hại về thời gian, làm mất đi hoặc làm giảm đi sản phẩm của xã hội như là sự thiệt hại thất thoát tài sản, và xem nó chính là con vi rút của căn bệnh trầm cảm của thực trạng cơ thể nền kinh tế ngày nay.

Trong chiến tranh cận đại Việt Nam đã tạo được 3 kỳ tích: Một là chiến thắng Điện Biên Phủ, hai là thống nhất đất nước, ba là giải quyết dứt điểm chiến tranh biên giới. Sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc, việc trước tiên là Niềm Tin của nhân dân - yếu tố then chốt để tạo nên đột phá tăng trưởng thần kỳ.

Chúng ta đang có thời cơ cực tốt về địa chính trị để chuyển mình quốc gia trở thành con hổ lớn về kinh tế tầm cỡ của khu vực. Và cũng nên biết rằng Việt Nam ta có dân số 100 triệu người, cần thay đổi cách nghĩ và cách làm của một nhà nước lớn hoặc cường quốc của khu vực. 

Tác giả Phương Phạm là Việt kiều Canada, nghề nghiệp kỹ sư, là Đại diện trưởng của Tập đoàn điện lực Hydro Quebec International tại Đông Nam Á và thường xuyên về Việt Nam từ những năm 1990.

Tác giả Phương Phạm đã thực hiện tư vấn quốc tế cho Chính phủ Việt Nam trong dự án đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam bởi Tập đoàn điện lực Hydro Quebec International từ những ngày đầu tiên, lập tiền khả thi, khả thi của dự án, đến hỗ trợ và tài trợ kỹ thuật cho toàn tuyến mạch 1 đầu tiên truyền tải điện ở nước ta. Đặc biệt là thời gian thực hiện, nước ta đang bị cấm vận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.