>> Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
>> Doanh nghiệp lại phàn nàn thủ tục hải quan
>> Giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp
Đầu tiên là áp lực giảm lãi vay để đưa vốn tới tay doanh nghiệp.
Lâu nay ngân hàng vẫn kêu ế vốn nhưng thực ra, họ cũng không "mặn" cho doanh nghiệp (DN) vay. Bằng chứng là 90% trong tổng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm được các nhà băng dùng để mua trái phiếu chính phủ dù lãi suất cũng không hấp dẫn. Phía DN cũng chẳng mặn mà hơn là bao, hay nói đúng hơn thì họ quá "ngán" lãi suất cao. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, kinh doanh tạo ra thu nhập đủ để trả mức lãi vay trung bình trên 10%/năm là không hề đơn giản đối với hầu hết DN. Nên đói thì đói, họ vẫn không dám vay. Thế nên tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay chỉ đạt 3,52% so với cuối năm 2013, bằng 1/3 kế hoạch cả năm. Tín dụng đã tăng trưởng thấp lại đổ hầu hết vào trái phiếu chính phủ cho thấy lượng vốn thực sự tới tay DN là rất ít. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ, tín dụng nửa cuối năm phải cải thiện, DN phải tiếp cận được vốn. Muốn vậy, chỉ có cách giảm lãi vay xuống thấp hơn, vừa sức DN và phù hợp với điều kiện kinh tế nói chung. Cần phải nhắc lại là, dư địa cho việc này là vẫn khá lớn khi chênh lệch giữa lãi vay và huy động vẫn còn cao.
Thứ 2 là thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính mà Thủ tướng đã chỉ đích danh từng ngành, từng đơn vị và có chỉ tiêu cụ thể. Xuất phát đầu tiên của việc này là từ Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) mà theo đó, VN có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Philippines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ). Việc giảm thủ tục thuế đến cuối năm nay còn 300 giờ; giảm 50% thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục bảo hiểm xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng là để cải thiện môi trường đầu tư của VN, tạo sự thông thoáng, tiện lợi cho người dân, DN. Nhưng lợi ích quy ra tiền từ cuộc cải cách thủ tục này đã được các chuyên gia trong và ngoài nước tính toán rõ ràng, đó là con số rất lớn, lên tới nhiều tỉ USD. Đó là chưa kể đến hiệu quả từ những hiệu ứng tâm lý, hiệu ứng niềm tin được đánh giá sẽ tạo sự hứng khởi cho người dân, DN trong việc bỏ tiền làm ăn, mở rộng kinh doanh... Vì vậy, thực hiện việc này sẽ đóng góp không nhỏ vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay.
Giải pháp gì thì liều lượng đúng đủ và thực hiện đồng bộ mới phát huy tối đa hiệu quả. DN, người dân đang kỳ vọng, các giải pháp hỗ trợ thuế, lãi suất, cải cách thủ tục hành chính... sẽ được thực hiện quyết liệt, đồng bộ để tạo thành lực đẩy, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và đưa kinh tế thoát ra khỏi tình trạng trì trệ kéo dài nhiều năm nay.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)