Kỳ Yên vọng và những chỉ dấu văn hóa Nam bộ

23/12/2018 09:02 GMT+7

Cứ vào giữa tháng 11 âm lịch hằng năm, đình làng Nam bộ, kể cả trong Sài Gòn ra đến vùng ven và xuống tận miền đồng bằng, lại rộn ràng nhộn nhịp cúng tế lễ Kỳ Yên.

Có lẽ nhiều người từ phương xa đến sẽ thắc mắc tại sao Sài Gòn vẫn còn đình? Theo sách Phủ biên tạp lục - Lê Quý Đôn viết năm 1776 thì ngạn ngữ xưa có câu “Gia Định nhất thóc nhì cau”. Như vậy, sơ khai Sài Gòn vẫn là vùng đất nông nghiệp. Đã là đất nông nghiệp, thì tất nhiên Sài Gòn thuở sơ khai vẫn là một quần thể của những làng xã. Vì vậy mà hình thành nên đình làng. Ngày nay những ngôi đình - nơi thờ Thành hoàng - thần giữ đất, vẫn hiện diện và bảo vệ văn hóa lâu đời cho một nền văn hóa sâu sắc của Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng.
Bỏ qua một số lễ nghi cúng tế rườm rà, đình làng nhiều thập niên trở lại đây chỉ còn giữ lại lễ Kỳ Yên, là lễ cúng chính trong năm, thường rơi vào ngày tốt trong tháng cuối năm. Từ chiều hôm trước ngày lễ Kỳ Yên, Ban cúng tế, những người dân trong làng, các cô các chị đã quây quần bên trong đình, xắn tay áo cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ chu đáo cho buổi cúng thần. Mâm cỗ thường là các món mặn, mỗi mâm đều đầy vun, chứng tỏ lòng thành dâng lên Thành hoàng. Trong đó, thường không thiếu mâm xôi đầy màu sắc cùng những con heo quay núc ních được gắn hoa trịnh trọng trên đầu. Đình làng vốn đã nhiều màu sắc từ các tranh, liễn sơn son thiếp vàng và các bức tượng tứ linh đặt trong khuôn viên đình, đại lễ Kỳ Yên đình như khoác lên mình chiếc áo gấm rực rỡ.
Ngày cúng chính, khách sẽ được chiêm ngưỡng dàn học trò lễ trong lễ phục áo mão sặc sỡ, đi ra bộ, gióng trống khua chiêng, làm lễ chánh tế. Sau chánh tế là các buổi hát bội (hát bộ - ca ra bộ - hát tuồng), gọi chung là hát đình. Ngày cuối là vãn đình. Thời của internet, phim rạp đầy rẫy thì cả một năm dài mới nghe tiếng hát tuồng với trống chiêng khua rầm rập, nhưng vẫn không kéo được giới trẻ vào đình ngồi chầu chực xem nghệ sĩ cưỡi ngựa cầm đao thương giả đò tỉ thí với nhau trên sân khấu như xưa. Tiếng ừ ứ ư vang vọng lồng lộng khắp các khu phố chỉ khiến người già nao nao hồi tưởng. Hình ảnh những ông cụ bà cụ xếp đôi dép làm ghế ngồi bệt trên bãi đất, quệt nước mắt coi nghệ sĩ đi bộ, những Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, những Chiêu Quân cống Hồ... như thôi miên người già vào ký ức đầy vọng âm của nghệ thuật tuồng cổ và khiến lớp trẻ 8X thấy tim mình nghẹn lại bởi bao cảm xúc thuở nhỏ vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ những đêm thức mờ mắt đến 1, 2 giờ sáng để xem cho trọn vở tuồng, ra về vẫn còn thút thít khóc...
Mỗi năm một mùa Kỳ Yên vọng, là để lòng mình vọng về quá khứ, dù cũ kỹ nhưng huy hoàng, trong thời đại người ta gọi là 4.0, mà thấy nếu không có đình làng, không có cúng Kỳ Yên, thì cũng như Sơn Nam từng nói: “Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ; bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.