[Kỳ1] Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' đủ học phí ?

01/11/2022 06:00 GMT+7

Không ít người trẻ than thở khi từng đóng học phí với mức cao chót vót, nhưng ra trường đi làm với mức lương èo uột, ngẫm đến là thấy... xót.

Học phí 80 triệu đồng/năm, lương 3,5 triệu đồng/tháng

Tốt nghiệp loại giỏi ngành kế toán của một trường đại học (ĐH) tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), Nguyễn Thị Thùy Trang (27 tuổi), quê ở H.Bình Sơn, Quảng Ngãi, những tưởng cơ hội nghề nghiệp rộng mở, kèm theo đó là những mức lương tương xứng. Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, hiện tại Trang đang làm kế toán cho UBND xã ở một huyện phía đông tỉnh Quảng Ngãi với mức lương mỗi tháng chưa đến 3,5 triệu đồng.

Các sinh viên y khoa thường tốn kém tiền bạc, phải học trong thời gian dài

Phạm Hữu

Tréo ngoe ở chỗ, trước đó khi học ĐH, Trang từng phải đóng mức học phí cao ngất ngưỡng với hơn 80 triệu đồng/năm. Trang buồn rầu nhẩm tính: “Chỉ riêng học phí, sau 4 năm ĐH, tốn 320 triệu đồng. Nên bây giờ khi chỉ nhận được mức lương bèo bọt, khoảng cỡ 40 triệu đồng/năm, cảm thấy rất chán nản. Nếu làm phép tính chia, có nghĩa phải mất 8 năm ròng rã mới lấy lại đủ tiền học phí từng đóng. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, tức mất 8 năm, còn phải có điều kiện đủ. Đó là trong suốt chừng ấy thời gian phải... nhịn ăn, nhịn uống, không tiêu xài”.

Trang nói thêm: “Trong tương lai, mức lương có thể tăng lên. Tuy nhiên, phần đó không đủ bù đắp số tiền từng tốn rất nhiều cho việc học những khóa học kỹ năng hay hoàn thành nhiều chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học...”.

Câu chuyện của Trang chỉ là một trong “hằng hà sa số” nỗi niềm của người trẻ hiện nay. Họ ta thán việc đã tốn vô số tiền cho việc tìm kiếm kiến thức. Tuy nhiên, khi ra trường đi làm, họ bẽ bàng và cảm thấy thất vọng với mức lương… “thấp không thể ngờ”.

Lê Minh An (25 tuổi, quê ở H.Cần Giuộc, Long An) cũng “than trời trách đất” vì từng phải đóng học phí hơn 145 triệu đồng/năm. Tới lúc tốt nghiệp ĐH, số tiền học phí mà An từng đóng lên đến gần 600 triệu đồng. Oái ăm thay, giờ đây dù vui khi được làm công việc đúng ngành quản trị kinh doanh từng được đào tạo trên giảng đường, nhưng An không hạnh phúc với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Chàng trai này tâm sự: “Nhiều khi rất buồn, vì mức lương không được như kỳ vọng. Tôi từng xin việc ở nhiều nơi khác nhau, từ TP.HCM cho đến Bình Dương, Long An, Đồng Nai, nhưng nơi nào cũng chỉ đưa ra mức lương từ 6 - 8 triệu đồng cho người chưa có nhiều kinh nghiệm. Phải hơn 7 năm tôi mới có thể làm ra đủ số tiền từng lo cho việc học”.

“Ở nơi làm việc hiện tại (công ty cổ phần thương mại xây dựng dịch vụ trên đường Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú, TP.HCM - PV), người nhận lương cao nhất mỗi tháng chỉ khoảng 12 triệu đồng. Nếu như tôi chạm được tới mức lương ấy, thì cũng mất khoảng hơn 4 năm. Nói chung, nghĩ tới lương đang nhận và nghĩ tới học phí từng đóng thì cực kỳ chán nản. Chưa kể cuộc sống bủa vây với hàng đống lo toan, chi phí”, Lê Minh An nói.

Sinh viên hiện nay phải đóng học phí cao nhưng mức lương chưa tương xứng

Không thể hoàn vốn học phí ?

Hồ Quốc Nhật (24 tuổi) đang là thợ sửa chữa ô tô tại một gara ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết mới ra trường cách đây hơn một năm và đang đi làm tại một xưởng sửa chữa ô tô với mức lương khởi điểm khá bèo bọt.

Năm 2017, Nhật trúng tuyển vào ngành cơ khí ô tô một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh. Trong suốt 4 năm học ĐH, Nhật phải đóng hơn 200 triệu đồng học phí. Mức học phí này được tính theo tín chỉ, dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tín chỉ. Bên cạnh đó, những khoảng chi tiêu như: thuê trọ, ăn uống, đi lại và các sinh hoạt khác trong 4 năm cũng “ngốn” thêm hơn 200 triệu đồng.

Dồn tiền của, công sức để tiếp thu tri thức, chàng trai này mong ước sau khi ra trường sẽ tìm công việc ổn định, mức thu nhập xêm xêm với học phí bỏ ra. Mặc dù vậy, sự thật quá đỗi não lòng khi Nhật nhận mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau hơn một năm làm việc, mức lương chỉ tăng ở mức dưới 10 triệu đồng/tháng. “Với mức lương ít ỏi như vậy nên tôi chỉ đủ chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Tôi chẳng dám mơ màng nghĩ đến ngày có thể thu hồi vốn từ số tiền đầu tư cho việc học”, Nhật nói.

Nhật cũng nhìn nhận: “Rất khó có thể hoặc không thể nào lấy lại vốn ấy. Vì từ nay về sau, lương có tăng đi chăng nữa thì phải lo toan nhiều chuyện. Nào là giá cả thị trường leo thang, hay phải đầu tư cho cuộc sống bản thân”.

Một minh chứng khác cho việc hiện nay có nhiều người trẻ “chán đến nỗi không muốn nói” khi đặt lên bàn cân so sánh giữa tiền học phí và tiền lương là câu chuyện của Huỳnh Thanh Toàn (31 tuổi). Toàn kể đã từng tốn hơn 500 triệu đồng cho 4 năm học ĐH tại một trường quốc tế ở Q.7, TP.HCM.

“Sở dĩ tôi chọn học môi trường ĐH quốc tế với học phí cao là vì mong muốn có thể nhận được kiến thức, môi trường học tập tốt, nhất là ra trường sẽ có việc làm lương cao. Thời điểm vào trường, tôi mường tượng đến nhiều thứ. Từ mức lương cao, môi trường làm việc tốt, năng động… nhưng đi làm thực tế thì khác. Mọi thứ không như tôi nghĩ. Tôi thật sự sốc và vỡ mộng khi thực tế cuộc sống khác xa so với những gì mà trường tôi học nói riêng, nhiều trường ĐH khác nói chung đã từng “vẽ vời” khi sinh viên vào học. Mà nhất là lời hứa “sinh viên trường này tốt nghiệp đi làm sẽ có mức lương cao...”, Toàn chia sẻ.

Hiện tại, Toàn làm ở vị trí nhân viên đối ngoại tại một trường ĐH công lập ở TP.HCM với mức lương viên chức dưới

13 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã từng được “nhích” lên... rất nhiều lần. “Nếu giờ thay đổi môi trường làm việc, ứng tuyển ở các công ty thì mức lương cũng không khá hơn là mấy. Chưa kể là phải đối diện với quy luật đào thải. Nên tôi chọn làm việc tại trường ĐH để có sự ổn định”, Toàn cho biết thêm.

Chàng trai này cũng thừa nhận rằng với mức lương chỉ dưới 13 triệu đồng/tháng, thì chắc chắn sẽ không bao giờ có cơ hội hoàn vốn học phí đã từng đóng. Toàn nói: “Chỉ có cách làm thêm việc khác bên ngoài như đầu tư chứng khoán, bất động sản và kinh doanh riêng thì may ra mới có thể kéo giảm thời gian “lấy lại” đủ số tiền học phí đã bỏ ra. Chứ chỉ tính riêng tiền lương thì hoàn toàn không thể. Những người bạn học cùng khóa với tôi, dù làm đúng ngành với các công việc năng động nhưng mức lương dao động trên dưới 20 triệu đồng. Số ít được lên các chức vụ cao. Tuy nhiên để phát triển nghề nghiệp, có mức lương cao thì cũng cần thời gian khá dài. Nên theo tôi, khả năng thu hồi vốn khi học các trường quốc tế là rất khó”.

Đã ra trường được 6 năm với tấm bằng tốt nghiệp ngành nhà hàng khách sạn nhưng khi nhắc đến thu hồi vốn học ĐH, Trần Tuấn Anh (28 tuổi, ở đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói thẳng: “Đó là điều không thể”. Bởi Tuấn Anh chưa từng nghĩ mình sẽ lấy lại được những gì bỏ ra trong bối cảnh thu nhập bình quân xã hội vẫn ở mức trung bình. Mức lương từ khi ra trường đến nay hầu như không thay đổi dù Tuấn Anh đã đổi việc, chuyển hẳn một công việc khác không liên quan.

Tuấn Anh nói: “Trừ một vài trường hợp đột phá, thì mặt bằng thu nhập chung của người trẻ hiện nay không cao. Những chi phí sinh hoạt, thuê nhà, đi lại cũng chiếm khá lớn trong thu nhập của người trẻ. Thế nên, chuyện có dư, mong cầu lấy lại được tiền học là chuyện... không thể thành hiện thực”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.