Thông tin trên mạng xã hội là quyền cá nhân
Luật sư Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng pháp luật hiện hành đều bảo hộ và bảo vệ cho mọi công dân ngay cả trên không gian mạng. Hiện nay, trên không gian mạng có 2 đặc thù là thông tin và hình ảnh cá nhân.
Xét về hình ảnh cá nhân trên mạng thì bao gồm ghi hình và hình ảnh được đăng tải. Nếu hành vi ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác hoặc đã ghi hình rồi xuyên tạc không đúng là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Tất cả những dấu hiệu trên được quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người tung tin sai sự thật lên mạng bị cơ quan chức năng xử phạt |
M.H |
Theo đó, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong hai trường hợp: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Tuy nhiên, việc ghi hình được thực hiện trong trường hợp không bị ràng buộc những quy định nêu trên thì người được ghi hình đều có quyền bí mật đời tư lẫn quyền cá nhân khi được đăng tải.
Về khía cạnh thông tin riêng tư, Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty luật 360 (TP.HCM), cho rằng quyền và lợi ích mỗi cá nhân đã được quy định cụ thể theo luật định cùng các văn bản pháp luật hiện hành.
Theo đó, Điều 10, Điều 26 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ các cá nhân được quyền sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng (internet), dịch vụ của mạng xã hội trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật. Được bảo vệ bí mật thông tin riêng và thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.
Cá nhân, tổ chức tuân thủ quy chế, sử dụng dịch vụ mạng xã hội, chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và các quy định khác có liên quan… Điểm d, khoản 1, Điều 8 của Luật An ninh mạng đã quy định rõ, do đó mọi cá nhân có hành vi lăng mạ, mạt sát người khác trên không gian mạng, cụ thể hơn là chửi bới, nhục mạ hoặc có các hành vi thái quá khác đã vi phạm điều cấm theo quy định.
Luật sư Đức nhấn mạnh, hành vi này được xem là: xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác phải được xử lý theo khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Nhật, trường hợp hình ảnh cá nhân bị cắt ghép tạo nội dung gây tranh cãi, sai bản chất ban đầu nhằm câu view hoặc bôi nhọ thì người bị xâm phạm phải yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Đồng thời, bắt buộc xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án để yêu cầu bồi thường.
Luật sư Nhật nói thêm, người quay phim đăng video clip sai sự thật về người khác lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng, cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu việc đăng tải video, hình ảnh gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hiện nay nhiều người lợi dụng mạng xã hội để bôi xấu người khác |
Chụp màn hình |
Luật sư Nhật lưu ý, bạn trẻ nên cân nhắc và nhớ không được, không nên quay phim và đăng tải video lên mạng xã hội khi chưa được đồng ý của người khác dù với bất kỳ mục đích gì. “Trước khi ghi hình, bạn trẻ nên tự hỏi có đúng quy định của pháp luật không, có thể bị xử phạt thế nào. Mỗi người đừng biến việc tự ý ghi hình người khác và đăng video lên mạng xã hội trở thành “thói quen” vì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Nhật chia sẻ.
Nói thêm về hành vi tung tin đồn sai sự thật về người khác, luật sư Tri Đức cho biết, cá nhân, tổ chức tuân thủ quy chế, sử dụng dịch vụ mạng xã hội, chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và các quy định khác có liên quan…
Cũng theo luật sư Đức, mọi hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng sẽ bị xử lý theo luật định. Và mức xử phạt quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Ngoài ra, luật sư Đức còn cho rằng nếu người bị hại có căn cứ, bằng chứng cụ thể để xác định hành vi vi phạm của một cá nhân tung tin đồn, xúc phạm, chỉ trích thì có thể tiến hành tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, có thể khởi kiện cá nhân, tổ chức vi phạm yêu cầu bồi thường thiệt hại, tùy theo tính chất, mức độ người có hành vi vi phạm trên mạng xã hội sẽ bị xử lý hành chính như nêu trên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận (0)