'Lá chắn' trên cổng trời

Mạnh Cường
Mạnh Cường
10/04/2020 06:46 GMT+7

Đó là một ngày đầu tháng 4 , chúng tôi theo chân đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam lên các chốt chặn trên tuyến đường mòn biên giới Việt - Lào thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang chốt chặn.

Không điện, không nước sinh hoạt, không sóng di động..., những khó khăn đó chẳng khiến các cán bộ, chiến sĩ dưới đỉnh trời A Dui (Quảng Nam) nản lòng. Họ vẫn ngày đêm bám trụ các chốt chặn đường mòn lối mở, giữ an toàn cho tuyến biên giới Việt - Lào trong mùa đại dịch.

Ăn lán, ngủ rừng

Từ thôn GLao (xã AXan, H.Tây Giang), chúng tôi mất gần 2 giờ đồng hồ lội bộ vượt qua nhiều cánh đồng lúa bậc thang, con suối và những triền dốc trong cánh rừng già mới đến được lán gác số 1 của Đồn biên phòng AXan. Đó là một ngày đầu tháng 4, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam lên các chốt chặn trên tuyến đường mòn biên giới Việt - Lào thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang chốt chặn. Khi đến lán, cũng là lúc cơn mưa chiều trở nên nặng hạt. Chiếc lều dã chiến ngay đường mòn thốc lên trong gió núi đang luồn tứ phía.
Trung úy Lê Anh Tuấn (27 tuổi, quê Quảng Trị), Đội trưởng Đội chốt chặn số 1, nhẩm tính đã hơn 2 tháng anh cùng đồng đội lên đây làm nhiệm vụ. Sáu cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau canh giữ, không để người vượt biên và người dân hai bên khu vực biên giới qua lại thăm thân trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cuộc sống giữa núi, nơi được gọi là đỉnh trời, chưa bao giờ dễ chịu. Tiết trời tháng 4, mặt trời vừa khuất sau ngọn núi A Dui thì cái lạnh đã len lỏi. Khi đó, các chiến sĩ chỉ biết co cụm, nhóm lửa để tìm chút hơi ấm. “Điểm chốt chặn không có điện. Nước sinh hoạt thì phải thay phiên nhau đi hàng cây số xách về dùng. Sóng điện thoại cũng không. Chúng tôi phải thay nhau túc trực trắng đêm ngăn chặn người nhập cảnh trái phép”, trung úy Tuấn mở đầu câu chuyện.
“Lá chắn” trên cổng trời1

Một điểm chốt chặn dọc tuyến biên giới Việt - Lào

Ảnh: Mạnh Cường

Cơn mưa rừng càng thêm nặng hạt. Đúng 18 giờ 30 phút, bữa cơm tối được dọn ra trên một thảm lồ ô. Mâm cơm chỉ thấy món rau rừng, bắp chuối rừng và một ít cá khô. Mì ăn liền được các chiến sĩ bẻ vụn làm canh. Bữa cơm ăn vội trong đêm mưa. Xác định công việc chống dịch còn lâu dài, các chiến sĩ đã tự tăng gia sản xuất bằng cách nuôi thêm vài ba con gà, trồng thêm ít luống rau.
Đồng hồ chỉ 19 giờ 30 phút, các chiến sĩ lên đường đi tuần tra sau bữa cơm vội. Trong đêm tối, chỉ có những đốm sáng từ ánh đèn pin xuyên qua màn mưa. Những bước chân cứ lặng lẽ tiến về phía núi. Trời đêm biên giới dường như thức cùng phiên gác. Nhóm chúng tôi đang đi sâu về phía cột mốc 691, nơi cách bản Keo của H.Kà Lùm (tỉnh Sê Kông, Lào) chừng mươi cây số. “Giữ cự ly đội hình, quan sát kỹ, cẩn thận có rắn rết”, trung úy Lê Anh Tuấn ngoái lại dặn dò cả tổ tuần tra.
Ánh đèn pin loang loáng quét theo lối mòn nhỏ đi vào rừng. Đêm lặng. Họ không nói với nhau nửa lời. Mọi suy nghĩ đang dồn vào điểm đến phía trước. Có tiếng động từ xa vọng lại. Anh em tắt hết đèn pin, đứng lặng nghe. Chúng tôi có cảm giác mọi thứ xung quanh “đóng băng” mất vài phút, nghe rõ từng hơi thở. Thật may, đó chỉ là tiếng thú rừng ăn đêm... Cuộc tuần tra tiếp diễn trong màn mưa. Khoảng 23 giờ, cả nhóm mới quay về điểm chốt gác. Rồi lại thay phiên nhau đứng gác trắng đêm.
“Lá chắn” trên cổng trời2

Các chiến sĩ nấu ăn chuẩn bị cho bữa tối

Ảnh: Mạnh Cường

“Chờ hết dịch anh sẽ về cưới em !”

Hơn 5 năm bước chân vào quân ngũ, trung úy Hồ Văn Hòa (29 tuổi, người đồng bào Vân Kiều, Quảng Trị) đã quá quen với rừng, với từng đường mòn lối mở ở tuyến biên giới này. Tuần tới đây, lẽ ra anh sẽ làm đám cưới với chị Alăng Thị Lệ (27 tuổi, ở H.Nam Giang, Quảng Nam). Nhưng biết “cuộc chiến” chống dịch còn dài, trung úy Hòa cùng vợ sắp cưới bàn bạc, thống nhất hoãn cưới dù thiệp mời đã được gửi đi.

Điểm chốt chặn không có điện. Nước sinh hoạt thì phải thay phiên nhau đi hàng cây số xách về dùng. Sóng điện thoại cũng không. Chúng tôi phải thay nhau túc trực trắng đêm ngăn chặn người nhập cảnh trái phép

Trung úy Lê Anh Tuấn (Đồn biên phòng AXan, Quảng Nam)

Một tiệc cưới theo phong tục của người đồng bào thiểu số cũng chuẩn bị xong, nhưng khi nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ, mọi việc đành tạm dừng. “Dù có chút tâm tư, nhưng gia đình hai bên hoàn toàn đồng tình với quyết định này. Bản thân mình là một người lính, dù thời bình hay thời chiến, mình luôn trong tư thế sẵn sàng. Dù có phải gác lại chuyện riêng tư, hạnh phúc cá nhân cũng sẽ chấp nhận để toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ “chống dịch” mà cấp trên giao phó”, Hòa cười. Anh đành nhờ cậy vợ sắp cưới và gia đình đi thông báo với bạn bè và họ hàng, mong mọi người chia sẻ chuyện hoãn cưới đột xuất. Khu vực đóng chốt không có sóng điện thoại, nên từ khi đi làm nhiệm vụ anh chưa lần nào gọi về cho vợ sắp cưới. “Mình và bạn gái quen nhau hơn 3 năm, chính thức yêu cũng khoảng 2 năm. Chừng ấy năm còn đợi nhau được, chờ thêm mấy tháng nữa để chính thức làm người một nhà thì có đáng là bao?”, anh tự tin.
“Lá chắn” trên cổng trời3

Tuần tra trong đêm mưa

Ảnh: Mạnh Cường

Và như muốn nhắn gửi về hậu phương, nơi không thể chuyển tải qua mạng viễn thông, trung úy Hòa dõi nhìn về phía đỉnh núi A Dui: “Vợ ơi, anh nhớ em! Chờ hết dịch anh sẽ về cưới em”.

Nhớ vợ con chỉ biết nhìn bức ảnh

Tiếng mưa khuya rơi lộp bộp trên mái bạt khiến không gian và cả lòng người thêm phần cô quạnh. Bất chợt một cơn gió thốc tung bạt, nước mưa đổ xuống nơi anh em nằm, ướt đầm chăn gối. Một số chiến sĩ bật dậy, loay hoay “gia cố” lán trại trong ánh đèn pin… Khắp các chốt gác dọc miền biên này, những ngày qua chắc hẳn các chiến sĩ ở lều trại dã chiến đều phải trải qua những đêm dài như thế. Hơn 2 tháng qua, dọc nẻo đường biên ải, hàng trăm chiến sĩ vẫn thầm lặng ngày đêm canh gác trước nguy cơ có người trở về bất hợp pháp từ Lào.
Chỉ vài tuần nữa thôi, vợ của trung úy Lê Anh Tuấn sẽ sinh đứa con thứ 2. Nếu không có lệnh tập trung của đơn vị, có lẽ lúc này anh đã có mặt ở quê nhà Quảng Trị để chờ đón thành viên mới. Không chia sẻ được gì nhiều, anh em chốt gác chỉ biết động viên Tuấn, thầm mong dịch bệnh qua mau để người bố trẻ bớt bồn chồn mong ngóng... Nhưng, ngược với những lo lắng của đồng đội, trung úy Tuấn vẫn đeo bám nhiệm vụ. Ngoài giờ gác và giờ tuần tra, anh dành thời gian chăm vạt rau mới gieo ở khoảnh đất trống trước chốt. “Đứa con đầu của mình năm nay gần 4 tuổi. Vợ sinh đứa thứ hai, không ở bên cạnh cũng rất nóng lòng nhưng phải vì nhiệm vụ. Khi nào nhớ vợ con quá thì lấy tấm hình chụp chung của gia đình ra ngắm cho đỡ nhớ”, trung úy Tuấn tâm sự.
Mà không chỉ riêng trung úy Tuấn biết khéo léo che giấu niềm riêng. Suốt cuộc chuyện trò, chúng tôi không hề nghe các chiến sĩ kể lể về những vất vả mà họ đang nếm trải. Bao gian truân của họ nơi tuyến đầu chống dịch, phải đến tận nơi, nhìn từng khuôn mặt mới có thể hiểu hết.
Biên cương, những ngày không ngủ. Chừng như mọi đôi mắt, đôi tai đều đang dõi về phía đường biên. Họ đang ở đó, nơi tuyến đầu chống dịch, vững chãi làm “lá chắn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.