Lá dong, củ kiệu, bánh chưng bắt đầu 'nóng'

05/01/2023 06:05 GMT+7

Các dịch vụ , hàng hóa tết chạy đua với thời gian để kịp phục vụ cho người dân.

Hái lá dong thu bạc triệu mỗi ngày

Chỉ vài tuần nữa là bước vào những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần và đón Tết Nguyên đán Quý Mão, không khí chuẩn bị đã bắt đầu nóng dần lên với các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu trong những ngày xuân. Trong đó, phải kể đến nhu cầu tiêu thụ lá dong cho việc gói bánh chưng. Để có được những bó lá dong đẹp phục vụ người dân trong mỗi dịp tết, từ khoảng đầu tháng 12 âm lịch, người dân vùng cao đã lên rừng hái lá dong nhập cho thương lái, không khí rất phấn khởi vì xem như là hái “lộc trời”. Anh Trần Văn Tuấn, một người chuyên hái lá dong nhiều năm tại H.Trấn Yên (Yên Bái) kể: “Trước đây lá dong nhiều, dễ hái, chỉ khoảng 20.000 đồng là có thể mua được 100 lá. Giờ lá ít, đi hái vất vả, đem về đến nhà là đã có thương lái chờ mua với mức giá 60.000 - 70.000 đồng/100 lá dong. Ngoài ra, tôi vẫn trữ lại một ít gần đến tết mang bán lẻ để được giá cao hơn”.

Bà Dương Thị Tịnh, cùng huyện cũng cho biết: “Mỗi năm cứ đến gần tết là tôi lại đi hái lá dong bán, hiện tại gia đình tôi có 3 người thường xuyên lên rừng hái lá về bán cho thương lái. Mỗi ngày thu hái được khoảng 1.500 - 2.000 lá dong, với giá bán 60.000 đồng/100 lá, cả gia đình cũng có thu nhập khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Hái lá dong chỉ tập trung vào dịp gần tết, không phải ngày mùa nên không ảnh hưởng đến công việc mà lại có một khoản thu nhập cao cho gia đình”.

Mỗi ngày thu hái được khoảng 1.500 - 2.000 lá dong, với giá bán 60.000 đồng/100 lá, cả gia đình cũng có thu nhập khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Hái lá dong chỉ tập trung vào dịp gần tết, không phải ngày mùa nên không ảnh hưởng đến công việc mà lại có một khoản thu nhập cao cho gia đình.

Bà Dương Thị Tịnh (H.Trấn Biên, Yên Bái)

Tại các tỉnh phía nam, Tây nguyên, thị trường mua bán lá dong cũng đã bắt đầu sôi động trên các chợ online với những lời chào mời, hỏi mua từ nhiều đầu mối. Từ tháng 8, tháng 9 (âm lịch), xưởng lá dong của cô Trần Thị Nhắn đã tất bật chuẩn bị sơ chế, đóng gói hàng để xuất khẩu. Cô Nhắn chia sẻ: “Năm nay các bạn hàng mua lá dong tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc đã giảm khá nhiều, chỉ bằng khoảng 40 - 50% các năm trước, trong khi nguồn thu chính của cơ sở lá dong cô Nhắn là từ thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát khiến cho nhu cầu đón tết cổ truyền của người Việt ở hải ngoại cũng giảm sút”.

Trong khi đó, theo chị Lê Thị Giang, con gái của cô Trần Thị Nhắn, thị trường lá dong nội địa năm nay vẫn diễn ra nhộn nhịp vì đây là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền. Tuy nhiên, với thị trường trong nước thì việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Hiện nay cơ sở cung cấp lá dong đã bắt đầu giao hàng cho các đầu mối nấu bánh truyền thống ở TP.HCM. Giá lá dong năm nay đang ở mức 120.000 đồng/100 lá (loại lớn), 80.000 đồng/100 lá (loại vừa) và 40.000 đồng/100 lá (loại nhỏ). Nhưng đến sau ngày 23 âm lịch, giá lá dong có thể biến động tùy theo nhu cầu, có năm hút hàng giá cao nhưng không có mà bán.

Các sản phẩm gạo nếp tăng giá do xuất khẩu thuận lợi

Ngọc Dương

Nhiều mặt hàng tăng giá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại phần lớn hàng hóa thiết yếu phục vụ tết giá cả ổn định nhưng vẫn có một số mặt hàng tăng. Một trong số đó là mặt hàng gạo nếp. Tại các siêu thị, giá gạo nếp bình quân từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Đại diện một số siêu thị cho biết gạo nếp là mặt hàng đặc biệt vì sức tiêu dùng ít hơn gạo tẻ nên nhà sản xuất thường đóng gói 1 - 2 kg và đây cũng là hàng cao cấp nên giá khá cao so với bên ngoài. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, gạo nếp cũng có giá khá cao như: nếp sáp thường từ 16.000 - 20.000 đồng/kg, các loại nếp Bắc, nếp Thái, nếp Lào, nếp thơm, nếp ngỗng, nếp cái hoa vàng… từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Bà Bé Năm, bán gạo ở gần chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) cho biết: “Cả nửa năm nay giá nếp đã tăng trở lại và duy trì mức cao đến giờ chứ không phải tết mà giá tăng đột biến. Nếu muốn gói bánh chưng, bánh tét thì chỉ cần mua nếp sáp thường loại 20.000 đồng/kg là ngon rồi. Còn nấu xôi thì mua mấy loại mắc tiền hơn vừa thơm vừa ngon”.

Ông Lâm Tân, đại diện một vựa gạo lớn ở chợ gạo Trần Chánh Chiếu (Q.5), nói so với tết năm trước thì hiện giá nếp loại thường cao hơn trung bình khoảng 3.000 đồng/kg, loại cao cấp khoảng gần 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do năm ngoái Trung Quốc không ăn hàng, nếp dội chợ nên giá khá rẻ. Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng nhập nên giá nếp tăng trở lại. Tăng mạnh nhất là các loại nếp Bắc chất lượng tốt và vận chuyển ngược vào nam nên giá khá cao. Lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết thêm năm ngoái, Trung Quốc gần như ngưng nhập khẩu gạo nếp khiến thị trường VN dư cung, giá giảm mạnh. Chính vì vậy mà nhiều nông dân chuyển từ trồng nếp sang lúa. Đến nửa cuối năm thì Trung Quốc bắt đầu nhập nếp trở lại và giá cũng tăng dần. Giai đoạn này xuất khẩu nếp đang rất thuận lợi về giá cả vì nguồn cung hạn chế. Tại một số địa phương như Long An, giá nếp khô doanh nghiệp thu mua lên đến 9.000 - 9.200 đồng/kg, còn tại An Giang khoảng 8.500 đồng/kg; cao hơn năm trước từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp khẳng định giá nếp tăng nhưng nguồn cung không thiếu.

Ghi nhận tại các chợ đầu mối, lượng củ kiệu về chợ tăng khá so với cách đây khoảng một tháng, mức giá dao động từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, tùy loại và chất lượng. Nhiều tiểu thương cho biết so với đầu mùa giá đã giảm khoảng 15.000 đồng/kg nhưng so với tết năm ngoái hiện giá kiệu vẫn còn cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Năm nay do thời tiết không thuận lợi, kiệu cho năng suất thấp nên giá tăng. Theo đại diện các chợ đầu mối nông sản ở TP.HCM, lượng hàng hóa về chợ đang tăng dần khoảng 20% so với ngày thường, cao điểm hàng hóa tết thường vào 2 tuần giáp tết với số lượng tăng từ 50 - 80% so với ngày thường.

Giá nếp tăng, kéo một số mặt hàng tăng giá theo đặc biệt là bánh chưng, bánh tét. Một lò bánh chưng Nam Định báo giá: bánh chưng nếp cái hoa vàng 180.000 đồng/cái/kg, bánh chưng nếp cẩm 200.000 đồng/cái/kg. Đây cũng là mức giá phổ biến của nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng chuyên cung cấp hàng cho thị trường Hà Nội và TP.HCM. Tương tự, các loại bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh) hoặc bánh tét lá cẩm Cần Thơ (TP.Cần Thơ) có giá dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/đòn/kg. Giá các loại bánh chưng, bánh tét tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/cái so với tết năm trước.

Chị Mỹ Dung, chủ một cơ sở sản xuất bánh tét ở Trà Vinh, giải thích: “Để đảm bảo chất lượng thì bánh phải được gói vào thời điểm cận tết. Thời điểm đó mọi thứ đều tăng kể cả giá thịt heo. Những năm trước mình còn có thể mua nếp sớm để được giá tốt. Năm nay nếp tăng giá khá nhiều mà thành phần chính của những loại bánh này là nếp nên giá không thể không tăng”.

Ngoài ra một số mặt hàng thiết yếu khác cũng bắt đầu tăng giá, đặc biệt tại các chợ truyền thống. Cụ thể như củ kiệu ngâm có giá khoảng 150.000 - 170.000/hộp/lít; dưa món có giá từ 115.000 - 120.000 đồng/hộp/lít… Bà Tâm, một tiểu thương ở chợ Hòa Bình (Q.5), cho biết: “Đây là hàng nhà làm, ngâm bằng đường, để ăn được lâu nên giá cao.

Năm nay đầu vụ, giá củ kiệu tươi lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg so với năm trước; vì vậy mà giá của kiệu ngâm cũng tăng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.