Lâu nay, cầu Phú Lộc được biết đến là "tụ điểm" của những người câu cá bằng... chai nhựa. Bởi đây là địa điểm sông Phú Lộc đổ ra vịnh Đà Nẵng khiến nước biển có nồng độ muối giảm nên loài cá đối rất thích sinh sống. Cá đối xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất vào khoảng tháng 3-4 và tháng 7-8. Cá đối có tập tính đi ăn nhiều vào những ngày trời râm mát, mưa bay. Chúng thường đi ăn theo bầy trong khung thời gian nhất định và thường thì chỉ ăn tập trung trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Đông người tập trung câu cá đối ở cầu Phú Lộc |
HỮU TÚ |
Các thợ câu có thể nắm bắt thời cơ “săn cá” bằng việc quan sát màu nước để thả câu, nhất là khi nước hơi tối màu. Dây câu sử dụng là loại dây dù cỡ nhỏ. Đặc biệt, “lưỡi câu” là… chai nhựa cắt bỏ phần đầu, dùng đinh vít cố định chì vào thân chai với mục đích làm cho mồi câu chìm xuống nhanh hơn. Sau mỗi chuyến đi câu, “lưỡi câu” (chai nhựa) đều được người dân đều mang về để tránh gây ô nhiễm môi trường… Còn mồi câu đơn giản chỉ là bột mì hòa trộn cùng với nước.
Thợ câu chỉ sử dụng một cuộn dây và chai nhựa |
Vừa có “chiến lợi phẩm”, vừa tiêu khiển
Những ngày này, người dân khi qua lại cầu Phú Lộc có thể hàng chục người đứng trên mũi đá rồi thi nhau giật cần câu. Chính vì dụng cụ câu độc lạ mà vẫn có thể bắt được nhiều cá đối, nhiều người đi đường phải dừng lại xem để thỏa chí tò mò.
"Lưỡi câu" độc đáo: chai nhựa |
“Nhiều người nói cá đối dễ "cắn câu", nhưng tôi thấy còn phải tùy thuộc vào sự may mắn. Cá đi ăn theo giờ nên việc lựa chọn thời điểm thả câu là hết sức quan trọng. Nếu cá đã "cắn câu" thì có thể giật cần lia lịa. Còn nếu không may thì suốt cả buổi câu đó không có "chiến lợi phẩm". Từ đó, dân câu như chúng tôi thường đùa với nhau rằng: câu cá đối dễ đối với người may nhưng khó đối với người xui…”, anh Lê Văn Phong (42 tuổi, trú tại P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) chia sẻ.
Mồi câu là bột mì |
HỮU TÚ |
Gần như chắc chắn khi cá đối đã "cắn câu" thì sẽ không bao giờ thoát ra được, bởi không gian chật hẹp của chai nhựa không đủ chỗ để cá quay đầu. Đó cũng là lý do nhiều người câu cá đối sử dụng chai nhựa để làm “lưỡi câu”. Qua lời kể của nhiều thợ câu có kinh nghiệm, nếu biết lựa chọn thời điểm và quan sát thời tiết, màu nước thì mỗi buổi câu cá có thể thu về gần 10 kg cá đối.
Nhiều người "nhập môn" tìm đến cầu Phú Lộc để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước về bộ môn câu cá đối. “Cũng nhờ đó mà tôi có thêm nhiều bạn bè khi tuổi đã xế chiều. Khi thời điểm cá ăn nhiều, hội bạn câu cá đối thường liên lạc với nhau để cùng săn bắt cá. Thu được chiến lợi phẩm, chúng tôi thường tụ tập chế biến, rồi cùng nhau tỉ tê thâu đêm...”, ông Nguyễn Văn Đạt (64 tuổi, một giáo viên về hưu trú tại Q.Thanh Khê) cười tươi.
Câu cá đối cũng là sân chơi để mọi người kết nối, gần gũi với nhau hơn. Các thợ câu cho hay đi câu cá đối là thời gian để giải trí, nói chuyện với nhau sau những giờ làm việc mệt mỏi. Không chỉ những người ở độ tuổi trung niên, cầu Phú Lộc lâu dần trở thành sân chơi kết nối tình bạn, trong đó có nhiều bạn trẻ tìm đến thú câu cá bằng… chai nhựa để thư giãn sau giờ học.
Bình luận (0)