Lạ lùng xứ 'Tiên Sa': Cây trái cũng lạ lùng

21/01/2024 07:14 GMT+7

Không hiểu sao H.Tiên Phước, Quảng Nam, vùng đất cũng phải chịu thời tiết, khí hậu miền Trung rất khắc nghiệt, lại "dung dưỡng" được nhiều loại cây cho quả với hương vị đặc biệt. Có loại còn gắn với lịch sử văn hóa. Có thể nói cây trái cũng làm nên bản sắc văn hóa ở xứ Tiên thơ mộng này.

Danh tiếng lòn bon

Trong ca khúc Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có câu "Anh đưa em đi ăn trái bòn bon, ăn hoài mệt nghỉ". Nghe nói lúc bài hát mới vừa ra đời, có những người ở vùng miền khác còn "nghi vấn" Quảng Nam làm gì có lòn bon (bòn bon là tên phổ biến) mà ông nhạc sĩ đưa em nào đó đi "ăn hoài mệt nghỉ". Thật ra, lòn bon còn có tên gọi Nam trân hay Phụng quân mộc, gắn liền với câu chuyện về đoàn quân chúa Nguyễn (trong cuộc giao tranh với quân Tây Sơn) lánh vào rừng ở thượng nguồn sông Vu Gia, Đại Lộc, Quảng Nam. Gặp rừng lòn bon, họ hái ăn để dịu cơn đói khát. Khi lên ngôi vua với niên hiệu Gia Long, Nguyễn Ánh đã đặt tên cho trái lòn bon là Nam trân (ngọc quý phương Nam) và cho khắc hình tượng cây Nam trân lên tầng trên của Nhân đỉnh trong Cửu đỉnh ở Đại Nội (Huế) để tỏ lòng trân trọng và biết ơn.

Lạ lùng xứ 'Tiên Sa': Cây trái cũng lạ lùng- Ảnh 1.

Lòn bon ở Tiên Phước

ảnh: Hiền Diệu

Thế nhưng, lòn bon Đại Lộc lại không có tiếng bằng lòn bon Tiên Phước. Lòn bon Tiên Phước ngọt thanh và hương vị đậm đà. Đây là loại trái cây có thể ăn bất cứ lúc đói hay no, vị ngòn ngọt, thanh thanh thấm vào đầu lưỡi khiến ai cũng có thể bị mê hoặc. Lòn bon Tiên Phước cũng được dùng để chế biến thành rượu vang với vị nhè nhẹ khá hấp dẫn.

Nhiều người dân Tiên Phước làm giàu nhờ lòn bon. Xã Tiên Châu có nhiều vườn lòn bon nổi tiếng nhất. Có hộ thu hoạch hàng chục tấn vào mỗi mùa thuận trời. H.Tiên Phước đã tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn và phát triển nhằm khai thác giá trị kinh tế của lòn bon và hướng tới khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vườn, kết hợp văn hóa - ẩm thực.

Lạ lùng hương vị trái cây

Người dân Tiên Phước chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập chủ yếu của họ là từ chăn nuôi và kinh tế vườn. Trong đó, kinh tế vườn nắm vai trò then chốt. Điển hình nhất là ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh. Ngôi làng xinh như cổ tích này có khoảng 20 vườn cây ăn quả từ cây trái bản địa đến những loại cây ăn trái du nhập từ miền Nam như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh. Điều lạ lùng là những giống cây ăn quả đặc trưng của miền Nam khi ra "định cư" tại Tiên Phước không chỉ sinh trưởng tốt mà còn cho ra quả có hương vị được cho là ngon hơn "nguyên quán".

Chúng tôi đến xã Tiên Mỹ, nơi có diện tích trồng măng cụt lớn của H.Tiên Phước. Người dân địa phương này cho biết ở đây hầu như nhà nào cũng trồng măng cụt. Có những khu vườn, măng cụt đã ngót 100 năm tuổi như vườn ông Phạm Văn Lục, Đồng Thanh Cường, ông Nguyễn Đức Hùng, ông Tăng Ngọc Chánh. Ở huyện trung du miền Trung này, mỗi năm riêng măng cụt có thể thu về trên dưới 30 tỉ đồng, đó quả là con số không nhỏ đối với người nông dân. Được biết, măng cụt xứ Tiên được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Xứ Tiên còn có loại trái cây danh tiếng khác, đó là thanh trà. Nói đến thanh trà Tiên Phước, người ta nghĩ ngay đến thanh trà Trà Khân. Trà Khân là một làng thuộc xã Tiên Hiệp. Đây là nơi phát tích cây thanh trà nổi tiếng, để giờ đây thanh trà có mặt khắp các xã trong huyện. Thanh trà Trà Khân có nguồn gốc từ Huế. Người làng Trà Khân vẫn còn truyền lại câu chuyện về cụ Huỳnh Duân, một người cháu cụ Huỳnh Thúc Kháng, là một chức sắc ở địa phương vào thế kỷ 19. Trong lần ra kinh đô Huế, cụ Duân đã đem về một số nhánh thanh trà được chiết kỹ càng. Đất đai tươi tốt, khí hậu khá mát mẻ của Trà Khân thật hợp với loại trái cây này, nên khoảng 4 - 5 năm sau cây bắt đầu cho trái. Vị thanh trà ngọt thanh, không bị chua và đắng như trái bưởi (bòng) ở quê nên người ta nhân rộng giống thanh trà ra cả làng, cả xã rồi cả huyện. Mùa thanh trà chín vào độ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch.

Có một loại trái (đúng hơn là hạt gia vị) là hồ tiêu trồng trên đất "tiên sa" này cũng là loại hạt tiêu ngon nhất nước. Cách đây hàng trăm năm, các thương nhân nước ngoài đã đưa tiêu Tiên Phước ra thị trường thế giới. Trong cuốn Lịch sử hiện đại của nước An Nam, tác giả Maybon có ghi: "Hàng hóa tại Hội An vào nửa đầu thế kỷ 16 về thổ sản có tơ sống, hồ tiêu, trầm hương, nhục quế... Thuyền Hoa và Ấn ghé đến để lấy hàng". Các vùng cung cấp các mặt hàng tơ sống (Duy Xuyên), hồ tiêu (Tiên Phước), trầm hương, nhục quế (Trà My) đều thuộc Quảng Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.