Là người LGBT+ liệu có sáng tạo hơn?

18/06/2022 17:30 GMT+7

Đó là thắc mắc được đông đảo bạn trẻ quan tâm sau những sản phẩm sáng tạo ‘gây sốt’ của cộng đồng LGBT+ thời gian qua, được người trong cuộc trực tiếp giải đáp.

Talkshow “Be Your Colors: Me - Colors - Creativity” (Là chính bạn: Bản thân - Màu sắc - Sáng tạo) tổ chức bởi trung tâm Arena Multimedia đã diễn ra tối 17.6 tại Chill Garden Lounge (Q.1, TP.HCM). Chương trình chia sẻ những trải nghiệm đáng giá trong hành trình sáng tạo và mối liên hệ giữa nó với những “sắc màu” tính dục khác nhau.

Trâm Anh (giữa) và Kỳ Nam (phải) trong talkshow về ngành sáng tạo

Vĩnh Hồng

Liệu có thuận lợi nào trong sáng tạo khi thuộc LGBT+?

Đó chính là thắc mắc của Lâm Vĩnh Hồng, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, khi chứng kiến nhiều bạn đồng trang lứa và anh chị thuộc cộng đồng LGBT+ có tố chất sáng tạonghệ thuật cao, không ngại ngần thử nghiệm những hướng đi cả đại chúng lẫn nhạy cảm từ đó đạt được nhiều thành công.

Hiện đang làm công việc liên quan đến lĩnh vực sáng tạo, Hồng rất thích thú với những sản phẩm độc đáo và viral (được phổ biến nhanh chóng trên mạng - PV) như bộ ảnh “Ăn hết Thái Lan”, chuỗi video “Sống Như Ý” hay podcast “Cởi Mở” được thực hiện bởi một đàn anh thuộc cộng đồng LGBT+. Không chỉ riêng Hồng, nhiều người khác tham dự talkshow cũng muốn học hỏi kinh nghiệm sáng tạo từ cộng đồng này.

Giải đáp thắc mắc đó, Tạ Quốc Kỳ Nam, Phó giám đốc sáng tạo tại Vietcetera, cũng là chủ nhân của những sản phẩm sáng tạo trên, nhận định đừng để giới tính hay xu hướng tính dục chi phối sở thích và mối quan tâm của bản thân thì sẽ dễ thành công hơn trong lĩnh vực sáng tạo.

“Bất kể ai, dù thuộc cộng đồng LGBT+ hay không, đều có một chiếc "hộp" quy chụp bản thân từ khi sinh ra. Nó buộc mình là con trai thì phải ra ngoài đá banh, đua xe, là con gái thì nên ở nhà trang điểm, chơi búp bê. Việc cần làm là phải thoát ra khỏi chiếc "hộp" đó để tiếp xúc với đa dạng sở thích, thú vui khác nhau. Điều đó sẽ cho mình nhiều màu sắc hơn trong công việc và cả nguồn cảm hứng sáng tạo”, Nam giải thích.

Theo Nam, những năm còn trẻ, người làm sáng tạo nên dành thời gian đọc, viết, nghe... những gì mình thích, cùng với đó đặt nền móng về kiến thức, trau dồi kỹ năng và tìm ra đam mê của bản thân. “Những thứ linh tinh ấy sau này sẽ va vào nhau thành không gian sáng tạo của mỗi người”, Nam bật mí.

Cùng quan điểm, Trần Nguyễn Trâm Anh, diễn viên nhảy tự do, thành lập phòng tập nhảy Ne Dance Studio, cho biết cô từng được giảng dạy rằng nam có xu hướng sáng tạo, ý tưởng tốt hơn trong khi nữ sẽ tỉ mỉ, cẩn thận hơn. “Vậy nên những người có giới tính "ở giữa" như tôi sẽ có cả hai”, Trâm Anh cười nói và cho biết thêm có rất nhiều thành viên LGBT+ nổi tiếng hiện đang góp mặt trong những lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo.

Với thâm niên 12 năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, Kỳ Nam có nhiều chia sẻ quý giá về hành trình tìm kiếm bản thân và cảm hứng sáng tạo

Vĩnh Hồng

“Cái gì làm từ tim sẽ đến với tim”

Chia sẻ về 12 năm làm nghề, Kỳ Nam cho biết những công việc anh đang đảm nhận “không tồn tại ở thời ba mẹ”, chẳng hạn thiết kế bìa sách, làm content, show host. Chủ nhân của khoảng 700 bìa sách khẳng định yếu tố khó khăn nhất trên hành trình sáng tạo là phải tiếp tục làm những công việc ngày càng có nhiều thử thách khi tuổi tác tăng cao và có những đam mê khác muốn kéo anh đi.

Còn với Trâm Anh, nghề sáng tạo dường như không có thước đo cụ thể. “Chẳng ai đánh giá được sản phẩm này có đẹp hay không, hay nêu chính xác thông điệp của nó thế nào. Quan trọng là cái gì làm từ tim thì sẽ đến với tim”, Trâm Anh giải thích. Cô cho biết thêm sự sáng tạo cũng giúp cô gần gũi với mọi người hơn, vì khi học về nghệ thuật, sáng tạo, “tôi phải tìm hiểu sở thích cũng như tâm lý về màu sắc, thiết kế... của công chúng, từ đó hình thành sự thấu cảm”.

Khách mời hỏi hai diễn giả về cách tìm cảm hứng sáng tạo trong cuộc sống

Vĩnh Hồng

Đồng tình với Trâm Anh, Nam chia sẻ bên cạnh kiếm thêm thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, sự sáng tạo cũng giúp anh mở rộng thế giới quan và các mối quan hệ vì phải kết nối chặt chẽ với thế giới và con người. Anh dành lời khuyên cho những người trẻ muốn theo đuổi đam mê sáng tạo là phải thấu hiểu “đằng sau gương mặt xấu là cả một nền văn minh”.

“Khi tôi bắt đầu biết chưng diện, tôi gọi bản thân mình là chú vịt con xấu xí. Lúc ấy, vì tự ti ngoại hình nên tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu tâm hồn ‘bên trong’, trả lời những câu hỏi nội tại về bản thân và đam mê”, Nam nói. Theo anh, chính hành trình tìm kiếm "bên trong" mà không quan tâm quá nhiều đến bên ngoài đã giúp anh hình thành nên “nền văn minh” của riêng mình - cội nguồn của những sản phẩm sáng tạo sau này của anh.

Có mặt trong buổi talkshow từ sớm, Huỳnh Bội San, học sinh trường THPT Padua Franciscan (Mỹ) rất hài lòng sau khi lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả vì nó không chỉ giúp em định hướng hành trình phát triển bản thân, mà còn gợi ý cho San châm ngôn làm việc của riêng em. “Chúng ta sáng tạo nhất khi là chính mình”, nữ sinh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.