'Là tương lai đất nước, chúng em cần môi trường sống được bảo vệ và an toàn'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
05/06/2022 17:10 GMT+7

Tại chương trình gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM, các em thiếu nhi đã có ý kiến về cách thức giảng dạy môn lịch sử trong trường học; trăn trở về việc bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành, sử dụng lao động trẻ em...

Sáng 5.6, TP.HCM tổ chức chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2022”, nhằm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến việc học tập, vui chơi, giải trí của thiếu nhi cũng như mong muốn của các em về TP.HCM trong tương lai.

Tại chương trình, em Lê Cát Vi, học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn (Q.3) cho hay, thời gian qua có rất nhiều thông tin tiêu cực liên quan bạo hành trẻ em, xâm hại, sử dụng lao động trẻ em.

"Mỗi khi em ra đường, em lại thấy nhiều trẻ em rất nhỏ, chỉ vài tháng tuổi, nhưng bị người lớn đặt nằm trên đường, hoặc có em 7 - 8 tuổi địu thêm một em khác nữa... để đánh vào lòng thương hại của mọi người để xin tiền. Họ cũng len lỏi qua những dòng xe đông đúc, bất chấp nguy hiểm, an toàn giao thông", Vi nói và cho biết thêm: "Những thông tin, thực tế đó khiến cho chúng em đôi khi cảm thấy lo lắng, bất an và sợ hãi. Nếu một thế hệ trẻ lớn lên với tâm lý như vậy thì tương lai của chính bản thân họ và tương lai đất nước sẽ ra sao?".

Thiếu nhi phát biểu về nạn sử dụng lao động trẻ em tại chương trình

PHẠM THU NGÂN

Cát Vi cho hay từ năm 2016, em đã tham gia đóng nhiều phim nói về nạn chăn dắt, lợi dụng trẻ em để làm công cụ lao động; tham gia nghiên cứu về việc lạm dụng trẻ em... Qua những vai diễn đó, Vi hy vọng sẽ góp phần nhỏ phản ánh sự việc. Tuy nhiên đến nay, nạn lợi dụng lao động trẻ vẫn công khai, nhiều sự việc bạo hành trẻ em tại trường học hay thậm chí tại chính ngôi nhà người thân của mình...

"Em đến chương trình với suy nghĩ làm thế nào trẻ em được sống trong môi trường được bảo vệ và an toàn. Em nghĩ rằng cần tăng nặng hình phạt, xử lý triệt để với hành vi lợi dụng trẻ em làm công cụ lao động; không để tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống với mọi hình thức, phải đảm bảo điều kiện tốt nhất cho trẻ lớn lên", Cát Vi đề xuất và nói thêm: "Chúng em là tương lai của đất nước, chúng em cần có môi trường sống được bảo vệ và an toàn. Bằng cách nào đó, xin hãy cho chúng em thấy mình được yêu thương, được bảo vệ, an toàn ở mọi lúc, mọi nơi trên đất nước của mình".

Thiếu nhi TP.HCM "than khó" với những giờ học lịch sử khô khan

Nhiều thiếu nhi, đội viên TP.HCM cũng đã ý kiến về cách thức giảng dạy một số môn trong trường học. Đặc biệt, các em "than khó" với môn lịch sử hiện nay.

Như em Song My, Trường THCS Hoàng Lê Kha (Q.6), cho hay việc dạy lịch sử trong trường học hiện nay quá qua loa, nội dung chưa được rõ ràng, nặng về lý thuyết. "Đến lúc thi cử thì các học sinh chỉ cầm tờ đề cương lên để học thuộc. Trong khi đó, các bạn học sinh ai cũng yêu môn lịch sử, đặc biệt thích xem nhiều video tìm hiểu lịch trên mạng xã hội", Song My nói.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu ý kiến tại chương trình ở buổi gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi

PHẠM THU NGÂN

Vì vậy, các em đề xuất cần cho học sinh trải nghiệm, tham quan thực tế, nhất là tại các di tích lịch sử để các em thêm tự hào về lịch sử nước nhà.

Tại chương trình, nhiều học sinh cũng đề xuất TP.HCM trang bị thêm nhiều thư viện, khu đọc sách, nhất là ở điểm vùng sâu, vùng xa, huyện ngoại thành như H.Cần Giờ. Đề xuất tạo điều kiện cho thiếu nhi H.Cần Giờ được đi tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, công trình trên địa bàn TP.HCM...

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho hay qua ghi nhận các ý kiến trực tiếp tại chương trình và ý kiến đã gửi về, các lãnh đạo sẽ thấu hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của các em thiếu nhi. Qua đó, bà Lệ đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ban ngành và các địa phương phản hồi ý kiến kiến nghị của các em; tiếp thu đầy đủ, chọn lọc và hiện thực hóa các giải pháp mà các đại biểu đã đề xuất, hướng tới xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em; đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vai trò giám sát các chủ trương, chính sách về trẻ em; đề nghị các cấp ủy tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí để mở rộng trường lớp, các sân chơi cho trẻ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.