Từ vụ việc bé 8 tuổi ở chung cư bị bạo hành đến tử vong: Hồi chuông cảnh báo

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
20/04/2022 18:00 GMT+7

Vấn đề quản lý chung cư để ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt qua vụ bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong, được quan tâm tại buổi khảo sát của HĐND TP.HCM đối với UBND Q.Bình Thạnh.

Chiều 20.4, HĐND TP.HCM có buổi khảo sát về tình hình trẻ em tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) và UBND Q.Bình Thạnh.

Công an kết luận điều tra vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế hành hạ đến tử vong

Vào chung cư cao cấp rất khó

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH UBND Q.Bình Thạnh cho hay, hiện nay người dân rất quan tâm trường hợp trẻ bị bạo hành tại chung cư.

Theo bà Loan, việc tiếp cận vào chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp rất khó. Khi xây dựng tất cả các kế hoạch, UBND quận đều có nội dung chuyển tải các khung tuyên truyền đến khu dân cư, chung cư trên địa bàn. Phía ban quản lý hay ban quản trị chung cư đều phối hợp rất tốt, tuy nhiên việc nắm bắt kịp thời các vấn nạn, vấn đề, khó khăn xảy ra liên quan bảo vệ trẻ em trong các chung cư, khu dân cư gặp khó khăn.

Liên quan vụ việc này, thượng tá Đỗ Tiến Nam, Phó trưởng Công an Q.Bình Thạnh, cho hay qua một số vụ việc liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em như vụ bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong thì quận cũng xử lý. Nhận thấy vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, Công an Q.Bình Thạnh đã chuyển Công an TP.HCM để xử lý sớm nhất.

Thượng tá Đỗ Tiến Nam, Phó trưởng Công an Q.Bình Thạnh phát biểu tại buổi khảo sát của HĐND TP.HCM

phạm thu ngân

"Qua vụ việc này, khó khăn nhất hiện nay ở các chung cư là việc biến động dân cư, dân nhập cư rất nhiều. Hoặc phát sinh tình trạng thuê mướn qua tầng lớp trung gian, vì vậy, công tác nắm hộ, nắm người, cập nhật khó khăn. Số lượng chung cư phát triển rất nhiều; trên địa bàn có trên 100 chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp", thượng tá Đỗ Tiến Nam nói.

Trong khi đó, các chung cư này ứng dụng công nghệ, vào kiểm tra phải có mã số, mã vạch, phải liên hệ qua người cấp, nhưng việc muốn phát hiện tội phạm thì phải bí mật.

Một số đối tượng lợi dụng pháp luật, không hợp tác

"Một số đối tượng lợi dụng pháp luật không hợp tác. Chúng tôi không thể phá nhà người ta được. Chúng tôi có tham mưu cho UBND quận và phường tuyên truyền, vận động thông qua ban quản trị và ban quản lý về chính sách pháp luật, lồng ghép phòng chống tội phạm. Thông qua đó có thể nắm hộ, nắm người", thượng tá Đỗ Tiến Nam nói.

Ông Nam cũng cho biết thêm: "Về hướng lâu dài, cần phải xây dựng và kiện toàn ban quản trị. Hiện nay, việc bầu hai đối tượng này chưa rõ ràng, thành phần - thành viên ban chưa đạt, có trường hợp xảy ra vấn đề khiếu kiện. Thứ hai, cần phải có khu phố - tổ dân phố, có đại diện chính quyền để quản lý được chung cư; có ban điều hành nắm được vấn đề".

Đồng thời, lãnh đạo Công an Q.Bình Thạnh kiến nghị các phường phải xây dựng quy chế với ban quản trị, để có sự trao đổi, nắm bắt tình hình trong công tác quản lý an ninh trật tự ở các khu dân cư này.

"Cũng mong TP.HCM quan tâm giải quyết ổn định tình hình chung cư, pháp lý về nhà cửa... để người dân an tâm", ông Nam cho hay.

Hoàn thiện sổ ghi chép số trẻ trong mỗi gia đình

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), đề nghị đối với các chung cư chưa vào được, phía quận cần mời các bên quản lý chung cư cao cấp để tập huấn kỹ năng phát hiện và xử lý vấn đề. Điều này giúp phòng ngừa trước các vụ bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Ngoài ra, về tuyên truyền, cần đưa các đường dây nóng vào trong các thang máy; có bảng thông tin điện tử để người dân có thể gọi đến đường dây nóng... Phía các địa phương cần quan tâm hoàn thiện sổ ghi chép số trẻ trong mỗi gia đình để nắm bắt, truyền thông cho gia đình, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, trưởng đoàn giám sát cho hay, vụ việc bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong là hồi chuông cảnh báo cho lãnh đạo các địa phương về quản lý chung cư trên địa bàn. Phía ngành giáo dục cũng cần quan tâm; nếu phát hiện trẻ bất thường thì tiếp cận, chuyển về địa phương để phối hợp các phường, các đoàn thể xử lý.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 2017 của UBND TP.HCM về “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM” cuối năm ngoái, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định tình hình bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có chiều hướng tăng giảm không đồng đều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Nếu như trước đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, nhà trọ lưu trú của người dân lao động, thì gần đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em còn là các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 2 bị can trong vụ án "giết người", "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm" liên quan vụ án bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong xảy ra tại căn hộ chung cư Saigon Pearl, P.22, Q.Bình Thạnh.

Theo đó, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ngụ Gia Lai, sống chung như vợ chồng với cha của cháu bé) bị đề nghị truy tố về tội "giết người" và "hành hạ người khác" theo Điều 123, Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ Q.1, cha của bé N.T.V.A ) bị đề nghị truy tố về tội "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm" theo Điều 140, Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.