Lạc dòng kể câu chuyện đau xót về đất và người

Hoàng Kim
Hoàng Kim
08/05/2019 06:23 GMT+7

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở Lạc dòng (tác giả Ngọc Linh, đạo diễn NSƯT Thành Hội) với câu chuyện về đất, về người đau xót.

Con người ta như một dòng sông, khi bị tiền tài vật chất chặn lại thì dòng chảy ấy sẽ không còn thẳng ngay, hiền hậu nữa, mà biến thành dòng xoáy cuồng nộ cuốn phăng những bến bờ, làm cho lở đất, chết người. Câu chuyện đất lở ở miền Tây Nam bộ vì phá hủy môi trường sống tự nhiên, phá hủy sông ngòi, phù sa, đã bắc cầu cho những nghĩa nhân bị tan tành theo giấc mộng phù hoa, bắc cầu cho những phận nghèo luôn bị thiệt thòi. Bao nhiêu đại gia đã làm giàu trên nước mắt dân đen. Bao nhiêu mối tình bị chà đạp bởi hai chữ sang hèn.
Những nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Lê Thúy, Đoàn Minh Tài, Bích Ngọc, Thái Quốc, Hoài Thương... đã khắc họa một miền Tây dữ dội trong cơn chuyển mình kinh tế mà mặt trái của nó đã xói mòn bao giá trị tốt đẹp. Vẫn là cách diễn bi kịch đến nao lòng. Vẫn là những chi tiết tinh tế khiến người xem hoài niệm về một miền quê thân yêu với cây nhãn, lồng gà, tiếng đồng dao trẻ con ai cũng từng qua một thời thơ ấu. Đến Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) không chỉ xem kịch, mà còn để lưu giữ ký ức của một thời xa ngái hiền hòa. Lâu lâu bắt gặp một câu, một từ của phương ngữ Nam bộ mà chợt rung lòng, ngẩn ngơ.
Tuy nhiên, cũng có chút băn khoăn. Hình như những nhân vật đàn ông trong câu chuyện đều... đáng chán. Một ông Kính núp váy vợ, lười lao động đến nỗi hằng tháng cứ xòe tay nhận tài trợ 200 USD của bà mẹ vợ và cuối cùng không dám gả con theo ý mình mà phải theo ý bà ấy. Một anh Tấn yếu xìu, trốn chạy tình yêu vì mặc cảm cái nghèo, về nhà thì than thở dằn vặt khiến mẹ mình phải khóc. Tự nhiên thèm thấy một anh thanh niên dõng dạc nói với gia đình rằng con sẽ bằng mọi cách phấn đấu thoát nghèo để nuôi vợ nuôi con. Một người đàn ông dám chở che cho tình yêu chứ không phải trốn chạy. Những gì mạnh mẽ nhất, thủy chung nhất, lại rơi vào nhân vật... ông già. Ông nội dám đối mặt với mọi thứ để giữ gìn giá trị thiêng liêng. Ông là thế hệ cũ. Còn những người gọi là thế hệ trẻ thì tệ vậy sao! Có lẽ đó chính là dụng ý của cố soạn giả Ngọc Linh. Ông cảnh báo về sự xuống cấp? Nhưng than ôi, thời đại mới đang rất cần những chân dung người trẻ mạnh mẽ, quyết đoán, kiến tạo quê hương. Họ ở đâu trên sân khấu hôm nay?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.