Lạc hậu trong đánh giá đạo đức học trò - Kỳ 2: Không ghi lỗi lầm vào học bạ

07/11/2015 04:30 GMT+7

PGS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN cho rằng việc đánh giá và xếp loại hạnh kiểm học sinh như hiện nay là không chính xác và cần phải thay đổi.

PGS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN cho rằng việc đánh giá và xếp loại hạnh kiểm học sinh như hiện nay là không chính xác và cần phải thay đổi.

Giáo dục cần hướng đến sự yêu thương, vì sự tiến bộ của học sinh hơn là trừng phạt - Ảnh: Đào Ngọc ThạchGiáo dục cần hướng đến sự yêu thương, vì sự tiến bộ của học sinh hơn là trừng phạt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nguyễn Đức Minh
       Ông Nguyễn Đức Minh
Ông Minh cho biết điều mà các nhà trường cần chú trọng không phải xếp hạng hạnh kiểm, mà làm thế nào để luôn luôn hình thành và phát triển nhân cách của học sinh (HS), giúp các em trở thành công dân tốt của đất nước, toàn cầu. Quan trọng nhất là làm thế nào để các em tiến bộ và biết mình cần làm gì. Do vậy, cách đánh giá hạnh kiểm: tốt, khá, trung bình… như hiện nay là không ổn, lạc hậu quá rồi và nó sẽ gắn mác vào HS.
Thay đổi theo hướng vì sự tiến bộ của người học
* Theo ông, hệ quả của cách đánh giá lạc hậu và thiếu chính xác ấy là gì với mỗi HS nói riêng và cuộc đời một con người nói chung?
- Khi HS bị đánh giá là hạnh kiểm yếu kém, ghi vào học bạ thì những nhận xét đó có thể coi như là lý lịch đi theo một con người suốt cuộc đời. Cái yếu kém, sai lầm ấy không hẳn đã là bản chất mà nhiều khi chỉ là một hiện tượng, một hành động đại diện cho nó.
Học sinh chịu hình thức xử phạt 2 lần
Liên quan đến việc xử phạt, kỷ luật HS, nhiều HS có ý kiến rằng không nên “quy định chồng quy định” dẫn đến HS chịu hình thức xử phạt 2 lần khi vi phạm luật giao thông. Các HS cho biết nếu lỡ vi phạm luật lệ giao thông, sau khi nhận hình thức xử phạt của công an, HS còn bị gửi danh sách về trường. Căn cứ vào Thông tư 58 đánh giá và xếp loại HS, trường sẽ hạ hạnh kiểm xuống loại yếu những HS này. “Như vậy không công bằng. Khi vi phạm giao thông, dù là HS hay là người lớn cũng đều nhận hình phạt của công an. Trong khi đó, HS còn chịu thêm hình thức xử lý ở trường còn người lớn thì có bị gửi danh sách về địa phương hay nơi công tác để xử lý tiếp không?”, một HS đặt vấn đề.
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
Ở lứa tuổi HS thì nhận thức thay đổi dần dần, chúng hành động như vậy có thể dưới cách nhìn nhận của người lớn là xấu nhưng bản thân chúng thì chưa hiểu hết hành động của mình là đúng hay sai, là nên hay không nên... Hơn nữa, các quy định về hành vi ứng xử trong xã hội lại khác nhau ở mỗi vùng miền, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình. Có khi ở nơi này thì đó là bình thường nhưng sang môi trường mới thì hành vi ấy chưa chắc đã phải là tốt và được chấp nhận.
Dù vì lý do gì chăng nữa, khi một đứa trẻ bị đánh giá là hạnh kiểm kém thì bố mẹ của các bạn khác cũng không muốn cho con mình chơi với đứa trẻ ấy, hoặc chính đứa trẻ ấy tự ti, mặc cảm, ghen tị... dẫn tới xa lánh bạn bè, ảnh hưởng tới việc phấn đấu rèn luyện để hoàn thiện bản thân.
* Vậy cách đánh giá về phẩm chất, đạo đức của một HS theo hướng nào là phù hợp, thưa ông?
- Quan điểm của tôi là cần thay đổi theo hướng đánh giá phải vì sự tiến bộ của HS. Giáo dục không nên quan tâm nhiều về việc trước đó đứa trẻ có nguồn gốc xuất phát như thế nào, phẩm chất trước đó ra sao mà cái cần quan tâm nhất là khi chúng ta tiếp nhận một đứa trẻ thì phải tìm mọi biện pháp, hình thức giáo dục để trẻ được tạo điều kiện nhằm hình thành nhân cách một cách toàn diện. Làm thế nào để những cái tốt của trẻ luôn được nêu lên còn những cái chưa tốt sẽ được khắc phục thông qua các biện pháp phù hợp. Ví dụ như gặp riêng để góp ý.
Tôi đề xuất là không bao giờ ghi vào trong học bạ hoặc những văn bản tương tự về những lỗi lầm của HS vì nó sẽ gắn với cuộc đời của cả một con người. Chẳng hạn, một đứa trẻ lấy trộm bút hay một vật dụng gì đó của bạn, nếu chúng ta gán cho nó là hành vi ăn cắp và ghi vào học bạ thì không ai có thể nói rằng chúng ta ghi thế là sai. Thế nhưng, với một đứa trẻ, chúng chưa ý thức được hành vi của mình như người lớn nghĩ. Thay vào việc ghi vào học bạ hành vi đó là trộm cắp thì giáo viên phải có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân và những biện pháp giáo dục, chỉ bảo hành vi nào là được phép, hành vi nào là không...
Không nên dùng biện pháp đuổi học
* Gần đây dư luận cũng tranh cãi, âu lo nhiều về việc các trường phê bình HS trước đám đông… Ông có cho rằng nên tiếp tục duy trì hình thức kỷ luật này để răn đe HS hay không?
- Tôi thấy việc cảnh cáo HS trước lớp, trước trường... cũng quá lạc hậu và phản giáo dục, nên bỏ.
* Còn về việc các trường buộc phải áp dụng hình thức đuổi học có thời hạn đối với những HS và cho rằng phải làm như vậy mới đủ sức răn đe. Ông có thấy điều đó có tác dụng không?
- Áp dụng các biện pháp kỷ luật thì cần phải có nhưng đuổi học thì rất không nên. Việc đuổi HS ra khỏi trường là phản ứng tiêu cực và đúng hơn là bất lực nhất của nhà trường đối với HS. Trách nhiệm của nhà trường là giáo dục, dạy học chứ không phải là đuổi HS.
Các trường ĐH thì có thể đuổi học sinh viên vì ở lứa tuổi ấy họ đã hình thành nhân cách, nhận thức và hoàn toàn đủ năng lực để nhận thức được các hành vi xã hội cũng như trách nhiệm của mình. Nhưng ở trường phổ thông, HS cần được đi học để được giáo dục phát triển nhân cách, được dạy để hiểu về cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì nên làm, cái gì không nên làm... Nếu cứ thấy HS không nghe lời, thấy khó là không dạy và đuổi học thì đâu còn gọi là trường học được nữa.
* Ông đề xuất gì đối với chương trình giáo dục phổ thông mới về cách đánh giá phẩm chất của HS?
- Sẽ tập trung đánh giá theo cả quá trình giáo dục những biểu hiện về mọi mặt của HS. Muốn làm được như vậy thì phải đánh giá thường xuyên và đa chiều. Kết hợp giữa đánh giá của nhà trường, giáo viên, tự đánh giá của HS và cả của gia đình, cộng đồng. Phải tăng cường việc tự đánh giá của chính HS, của HS với nhau... cách ấy sẽ làm cho HS ý thức tự chủ và tự điều chỉnh được hành vi của mình. Mỗi lần như vậy HS sẽ tốt hơn nhiều.
 
Bộ đang nghiên cứu để thay đổi cách khen thưởng, kỷ luật
Thông tư về hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật HS có từ năm 1988 và vẫn áp dụng cho đến thời điểm này. Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết lãnh đạo Bộ đang yêu cầu Vụ xem xét, tập hợp ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư mới thay thế thông tư hiện hành. Nếu quy định nào không còn phù hợp nữa sẽ phải loại bỏ, đồng thời bổ sung những hướng dẫn mới để các trường có thể vận dụng trong quá trình khen thưởng, kỷ luật HS.
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.