Cả nhà đi thi
Những ngày cuối tuần trong mùa hè này, rất đông phụ huynh từ nhiều quận huyện của TP.HCM đưa con đến Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) thi lấy chứng chỉ Starters. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, hôm đó có khoảng 1.000 học sinh dự thi. Đa phần đều học các lớp tăng cường tiếng Anh lớp 2, thi lấy chứng chỉ Starters để được tiếp tục lớp tăng cường tiếng Anh ở lớp 3. Chính vì lý do này, nhiều phụ huynh dù bận trăm công ngàn việc cũng phải thu xếp đưa con đi thi.
|
Ông Nguyễn Văn Sửu, có con học lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.2) cho biết: “Từ 5 giờ tôi đã phải chở cháu chạy từ Q.2 sang đây. Vì không biết đường nên phải tranh thủ đi sớm”. Tương tự, nhiều phụ huynh khác ở Q.Phú Nhuận, Q.12... cũng đưa con đi thi từ rất sớm. Anh Đỗ Huỳnh Văn Khanh, nhà ở Q.12, nói: “Vợ chồng tôi từ tờ mờ sáng đã đưa con đến đây dự thi. Bận bịu lắm, nhưng phải đưa con đi thi, nếu không đạt chứng chỉ này cháu phải sang học lớp thường. Như vậy thì tiếc lắm”.
Còn ông Tấn Minh, phụ huynh học sinh lớp 2C Trường tiểu học u Dương Lân (Q.8), cho biết: “Lần đầu cháu đi thi nhưng không đạt nên phải thi lại. Mỗi lần như vậy đóng lệ phí hơn 400.000 đồng. Lần trước, lớp con tôi có 44 học sinh, 18 bé đăng ký thi chứng chỉ nhưng chỉ có 7 cháu đạt. Sáng nay tôi phải xin nghỉ làm, để đưa con đi thi. Tôi rất lo nếu thi không tốt, cháu sẽ chuyển sang học lớp thường”.
Ôn như luyện thi ĐH
|
Kể từ năm học 2010 - 2011, Sở GD-ĐT TP.HCM không tổ chức khảo sát học sinh vào học lớp 1 chương trình tăng cường tiếng Anh. Sau khi học đến hết lớp 2, học sinh sẽ tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ Starters của ESOL. Nếu số khiên cao (cách mà ĐH Cambridge dùng để đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh trong từng nhóm kỹ năng của bài thi. Trong mỗi bài thi quy định điểm tối đa là 15 khiên và số khiên trung bình mỗi thí sinh cần đạt để lên cấp độ tiếp theo là 10 khiên), học sinh tiếp tục lớp chương trình này khi vào lớp 3. Tức là điều kiện tuyển chọn sẽ tính theo số khiên từ trên cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu (số khiên trung bình là 10). Lãnh đạo Sở cho rằng phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con em dự thi, trường tiểu học không được tạo áp lực lên phụ huynh nhằm buộc học sinh luyện thi hoặc bắt buộc tham dự các kỳ thi Starters mà chưa chuẩn bị kiến thức đầy đủ.
Thế nhưng trong thực tế, để thi lấy chứng chỉ này, học sinh phải rất vất vả trong những ngày hè. Anh Nguyễn Văn Sửu cho biết, sau khi kết thúc chương trình chính khóa, anh đăng ký cho con học tiếng Anh cả sáng lẫn chiều (mỗi buổi 2 giờ), mỗi tuần học khoảng 5 ngày. “Tôi phải bỏ ra một tháng 2,4 triệu đồng để nhờ giáo viên tiếng Anh ôn giúp cháu”, anh Sửu nói.
Không riêng gì anh Sửu, phần đông phụ huynh mà chúng tôi gặp trong buổi thi tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) đều cho rằng, họ phải cho con học thêm tiếng Anh trong những ngày hè để thi lấy chứng chỉ nêu trên. Có người cho con học ở trung tâm Anh ngữ, người thì thuê giáo viên về nhà để dạy. Một phụ huynh tại Q.8 chia sẻ: “Gia đình phải đăng ký cho cháu ôn tại lớp học ngoại ngữ ở trung tâm văn hóa quận. Nói thật, muốn cho con học chương trình này thì phải đầu tư và động viên cháu học để thi sao cho tốt”.
Dù lãnh đạo Sở cho rằng không tạo áp lực hay phụ huynh tự nguyện, nhưng việc quy định có chứng chỉ tiếng Anh mới được tiếp tục theo học chương trình tiếng Anh tăng cường đã khiến phụ huynh, học sinh gặp nhiều căng thẳng và áp lực. Trước đây, khi khảo sát đầu vào học sinh lớp 1 chương trình tiếng Anh tăng cường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Chính vì thế, Sở đã thay đổi việc thi đầu vào này bằng các chứng chỉ của ESOL theo từng lớp học. Tuy nhiên, áp lực thi cử vẫn không hề giảm đối với những học sinh muốn tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường.
Bích Thanh - Minh Luân
>> Úc công nhận chứng chỉ tiếng Anh Cambridge CAE
>> Thi vào lớp chuyên tại Hà Nội: Vừa mừng vừa lo vì đề tiếng Anh đơn giản
>> Trại hè tiếng Anh “Sky 2013”
>> Tiếng Anh mùa hè, càng học càng vui
>> Tiếng Anh là môn thi tuyển vào lớp 10
Bình luận (0)