Trong làng báo chí miền Nam trước 1975, dù có nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng với nhà báo Lý Nhân (tên thật Phan Kim Thịnh) lại là nhân vật khá đặc biệt, khi ông từng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn học. Sau khi thống nhất đất nước, ông trở thành tác giả của nhiều cuốn sách ăn khách về các nhân vật chóp bu, từng “làm mưa làm gió” một thời tại miền Nam.
Nhà văn Lý Nhân - Phan Kim Thịnh và các tác phẩm của ông |
Lời ông đề tặng nhà thơ Lê Minh Quốc |
Các tác phẩm của ông được tái bản liên tục |
LÊ MINH QUỐC |
Nhà ông lúc sinh thời còn trên đường Bùi Đình Túy, sau này vợ bệnh mất ông đau buồn bán nhà chia cho các con rồi chấp nhận cảnh “rày đây mai đó” thuê trọ ở. Nhà báo – nhà thơ Trần Hoàng Nhân cho biết: "Có thể nói, nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh là chứng nhân của một thời kỳ khi ông trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận khi đó. Trước năm 1975, những vụ tòa án xử các vụ như xử chém đầu tướng Ba Cụt, xử bắn Ngô Đình Cẩn…, ông đều tới chứng kiến, chụp ảnh, ghi âm để làm tư liệu khi cần. Đó là lý do khiến sau này ông có những tư liệu sống động để viết nên những bài báo và những cuốn sách mà bạn đọc biết đến".
Nhờ trải nghiệm thực tế của một nhà báo xông xáo, nhiều mối quan hệ chằng chịt, các tác phẩm của nhà văn Lý Nhân - Phan Kim Thịnh hiện lên chính trường miền Nam một thời, những “đệ nhất, đệ nhị” phu nhân với các câu chuyện hậu trường luôn hấp dẫn người đọc.
Cuối đời nhà văn gặp nhiều khó khăn về tài chính, bệnh tật |
T.L |
Nhà báo Lý Nhân có nhiều cuốn sách viết về Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại, về Trần Lệ Xuân - vợ ông Ngô Đình Nhu và ông đang chuẩn bị in 2 cuốn về bà Nguyễn Thị Mai Anh - vợ ông Nguyễn Văn Thiệu và bà Đặng Tuyết Mai - vợ cũ ông Nguyễn Cao Kỳ.
Được biết, cách nay hơn 10 năm, khi bà Đặng Tuyết Mai về Sài Gòn mở quán Phở Ta trên đường Lê Quý Đôn. Ông có mời bạn đến ăn, khi bà Mai nhận ra ông đã mời nói chuyện để viết hồi ký cho bà. “Tôi đã trả lời rằng, nếu có viết sẽ viết theo nhận định của tôi về bà Mai thông qua những gì tôi biết, vì xưa nay tôi không viết theo “toa đặt hàng” của bất kỳ nhân vật nào để kiếm danh hay kiếm tiền”, nhà văn Lý Nhân - Phan Kim Thịnh lúc sinh thời chia sẻ.
Hiện nay, trên trang cá nhân của nhiều bạn văn, người quen đã viết lời chia buồn với gia đình về sự ra đi của nhà văn Lý Nhân - Phan Kim Thịnh, một nhân vật từng gắn cả cuộc đời với Sài Gòn – TP.HCM. Ông cũng là người có nhiều tác phẩm về vùng đất phương Nam nắng gió và hảo sảng, trong đó có tác phẩm mới tái bản Sài Gòn vang bóng của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang - cuốn sách được xem là đầy ắp những tư liệu về Sài Gòn xưa. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân TP.HCM, chuyện xây dựng Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập, nhiều chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường....
Ông cũng là người chồng lo lắng cho vợ hết mực khi bà bệnh tật nằm một chỗ. |
T.L |
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy viết vội trên trang cá nhân gọi nhà văn Lý Nhân - Phan Kim Thịnh là "ông bạn già của tôi", với những dòng ngắn ngủi, xúc động: “Vừa hay tin nhà văn Phan Kim Thịnh (1936-2022) bút danh Lý Nhân, nguyên chủ nhiệm tạp chí Văn Học vừa qua đời sáng 3-6-2022 tại Saigon vì tuổi cao. Vô cùng thương tiếc ông bạn già của tôi”.
Bình luận (0)