Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh
Đối với huy động tiết kiệm từ người dân, lãi suất liên tục đi xuống những ngày gần đây. Ngày 24.8, Banvietbank giảm đồng loạt 0,1 - 0,5% tại một số kỳ hạn, còn 4,4 - 4,5%/năm đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng, 6 - 8 tháng ở mức 6,5%, 12 tháng trở lên 6,9%… MSB giảm 0,7% lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 5,8%, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, nhận lãi cuối kỳ, trong khi gửi ở quầy chỉ 5,2%/năm.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động xuống thấp. Techcombank vừa giảm lãi huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,25%/năm so với đầu tháng 8. Theo đó, kỳ hạn 1, 2 tháng ở mức 3,9%/năm, 3 tháng ở mức 4%, 6 tháng 6%, 9 tháng 6,1% và mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 6,2%/năm. Eximbank vừa giảm lãi suất trên bảng huy động tiền đồng thấp hơn từ 0,4 - 1%/năm so với đầu tháng, mức 6%/năm đã không còn xuất hiện. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 - 11 tháng còn 5,6%, kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,7%, từ 15 - 60 tháng lên 5,8%.
Các ngân hàng có vốn nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,5% ở một số kỳ hạn. Vietcombank huy động tiền đồng kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 3%/năm, 3 tháng 3,8%, 6 - 9 tháng còn 4,7%, 12 tháng trở lên còn 5,8%. Tại BIDV, VietinBank kỳ hạn 1 - 3 tháng còn 3 - 3,8%/năm, 6 tháng xuống 4,7%, 12 tháng còn 5,8%. Riêng tại Agribank có mức lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ 5,5%/năm.
Mức lãi suất 7%/năm trên thị trường chỉ còn vài nhà băng huy động ở những kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Đa số lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay từ 5 – 6%/năm. Như vậy, so với mức lãi suất cao nhất hồi tháng 1 - 2, các ngân hàng huy động vốn hiện nay trả lãi thấp hơn từ 3 - 5%/năm.
Thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng dồi dào khiến lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, xuống gần sát 0%. Ngày 22.8, lãi suất giao dịch tiền đồng giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống 0,17%/năm, 1 tuần xuống 0,43%, 2 tuần 0,62%, 1 tháng 1,48%, 3 tháng 3,67% và 6 tháng 7,25%/năm.
Vốn ế, giảm lãi vay
Tăng trưởng tín dụng khó khăn là nguyên nhân khiến cho các nhà băng giảm lãi suất huy động liên tục kể từ tháng 7 đến nay. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với cuối tháng 6, tăng 4,73%, đạt 12,487 triệu tỉ đồng.
Để đẩy mạnh cho vay, các ngân hàng tung ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khối doanh nghiệp. Dẫn chứng MB cho khách hàng doanh nghiệp vay từ 6,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 8,5% đối với khoản vay trung dài hạn. Chương trình này ưu tiên cố định trong 12 tháng nhằm giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả và an toàn. Sacombank triển khai gói tín dụng hạn mức 11.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,2%/năm cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Còn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trung dài hạn hoặc có nhu cầu vay mua ô tô, có thể tiếp cận gói vay 1.000 tỉ đồng với lãi suất từ 9,5%/năm.
Ông Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng do tăng trưởng tín dụng khó khăn nên buộc các nhà băng phải giảm lãi suất huy động xuống nhằm giảm lãi vay. Lãi suất hiện nay đã giảm nhiều và dư địa giảm thêm đang còn nhiều hạn chế. Đó là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang hẹp lại. Lãi suất của Mỹ hiện trên 5%/năm và xu hướng có thể sẽ tăng thêm trong thời gian rới. Lãi suất tại Việt Nam khoảng 5 - 7%/năm nên chênh lệch lãi suất không nhiều như trước. Khi khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ thấp, sẽ gây bất lợi lên tỷ giá và lạm phát có thể sẽ quay trở lại.
"Lãi suất hiện đã giảm nhiều so với nửa cuối năm ngoái và đang giảm thêm nên khả năng lãi suất điều hành sẽ không giảm mạnh trong thời gian tới. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào chính sách tài khóa, đang còn nhiều dư địa hơn chính sách tiền tệ. Bởi lẽ, từ đầu năm đến nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không được như kỳ vọng. Còn chính sách tiền tệ bây giờ đã bão hòa và điều hành nền kinh tế là phải phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Việc này giống như cánh kéo vậy, một cánh hoạt động mà cánh còn lại đứng im thì không thể cắt được", ông Huân phân tích.
Bình luận (0)