Ngân hàng Nhà nước vừa công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 11.
Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 5,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng - 12 tháng; 5,1 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng - 24 tháng; 6,8 - 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trước đó, trong tháng 8 và tháng 9, lãi suất tiền gửi áp dụng với kỳ hạn trên 24 tháng là 6,9 - 7,4%/năm; trong tháng 10, mức lãi suất tiền gửi áp dụng cho kỳ hạn này là 6,9 - 7,2%/năm.
Trong tháng 11, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tháng 11, lãi suất cho vay VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1 - 5%/năm đối với ngắn hạn; 6 - 7%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo thông tin mới nhất về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong tháng 9, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm gần 33.000 tỉ đồng.
Tổng lượng tiền gửi dân cư từ đầu năm đến hết tháng 9 tăng thêm gần 460.000 tỉ đồng, đưa tổng tiền gửi của người dân lên 6,957 triệu tỉ đồng. Tính tới tháng 9, lượng tiền gửi của người dân tăng 6,5% so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp tăng 238.114 tỉ đồng trong tháng 9, đưa tổng lượng tiền gửi của doanh nghiệp tính tới tháng 9 lên 7,076 triệu tỉ đồng. So với cuối năm ngoái, lượng tiền gửi của doanh nghiệp tăng 3,43%.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, năm nay, cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh có giới hạn nên dòng tiền vẫn trú ẩn vào ngân hàng là chính. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp, doanh nghiệp ít vay tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên nguồn tiền đối ứng sẽ ứ đọng trên tài khoản.
Tiền gửi vào thời điểm cuối năm tăng lên do hoạt động sản xuất, kinh doanh chậm lại. Các cá nhân cũng khó có kênh nào đầu tư nên tiền vẫn nằm ở kênh tiết kiệm là chính...
Bình luận (0)