Trong bối cảnh khó khăn, những diễn biến về lãi suất khiến doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa khi chi phí vốn ngày càng tăng.
Ông lớn vào cuộc, nhà băng nhỏ lo sốt vó
Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng thêm 1,2 - 1,9%/năm, cao nhất 10,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhà băng này cũng rất cao, lên 9,6%/năm; 12 tháng lên 10%/năm. Các kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức kịch trần 6%/năm. Nhưng đây chưa phải mức lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn huy động 6 tháng trong hệ thống NH hiện nay.
Mức cao nhất là 9,7%/năm thuộc về NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) huy động trong tháng 11. Ngoài ra, ở kỳ hạn 12 tháng, MSB có lãi suất 9,8%/năm, kỳ hạn 15 và 24 tháng có mức lãi 9,9%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tiền đồng của một số nhà băng đã vượt qua mức kỷ lục 9,35%/năm của NH TMCP Sài Gòn (SCB)....
Lãi suất tiết kiệm liên tục xác lập các mức kỷ lục mớI |
Ngọc Thắng |
Có thể thấy, cuộc đua lãi suất hiện tập trung ở kỳ hạn 6 tháng trở lên. So với mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên đã cao hơn từ 2 - 3,6%/năm, dao động từ 7,5 - 9,6%/năm. Đơn cử, NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NH TMCP Quốc Dân (NCB) có mức lãi suất cuối kỳ lên 9%/năm; NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ 8,7 - 8,9%/năm, đối với sản phẩm Prime Savings có mức lãi suất lên 10,22%/năm trong tháng đầu tiên, những tháng sau còn 8,52%/năm; NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) là 8,3%/năm…
Nếu so thời điểm đầu năm nay, lãi suất huy động tiết kiệm của các nhà băng hiện tăng từ 2 - 4,2%/năm. Đặc biệt trong những tuần gần đây, tốc độ tăng lãi suất tiết kiệm của các NH nhanh hơn. Sự xuất hiện các mức lãi suất từ 9 - 11%/năm càng nhiều. Đáng nói, ngay cả các NH có vốn nhà nước lớn cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Cách đây vài ngày, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng lãi suất tiết kiệm trực tuyến thêm 0,4 - 0,6%/năm so với tiết kiệm tại quầy. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng lên 5,3%/năm, 3 tháng lên 6%/năm, 6 tháng lên 6,8%/năm và từ 12 tháng trở lên là 7,7%/năm. Còn NH TMCP Công thương (Vietinbank) tăng lãi suất tiết kiệm gửi trực tuyến 1,8%/năm so với tiết kiệm gửi tại quầy, lên mức cao nhất là 8,2%/năm…
Động thái này khiến các NH nhỏ lại lo sốt vó tìm cách giữ vốn. Ông chủ một nhà băng nhỏ cho biết, các “ông lớn” mà vào cuộc thì họ không còn cách nào là phải đeo bám theo, dù không áp lực huy động. Tăng lãi suất lúc này chỉ là giữ chân khách hàng, giữ vốn không chạy qua chỗ khác mà thôi.
NHNN yêu cầu các NH còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ...
Ngược lại, lãi suất trên thị trường liên NH có xu hướng giảm so với đầu tháng 11. Ngày 25.11, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 5,23%/năm, 1 - 2 tuần từ 6,14 - 6,71%/năm, 1 tháng 7,6%/năm, 3 tháng trở lên ở mức 8,14 - 8,44%/năm… Giảm từ 0,1 - 3,1%/năm so với mức lãi suất cao nhất trong tháng 11 khi NH Nhà nước (NHNN) liên tục bơm tiền ra thị trường thời gian gần đây.
Cụ thể vào cuối tuần qua, NHNN tiếp tục bơm ra thị trường hơn 3.582 tỉ đồng, 5 thành viên trúng thầu với lãi suất 6%/năm kỳ hạn 14 ngày. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp trong tuần qua, tổng cộng NHNN đã bơm ra thị trường hơn 29.405 tỉ đồng mà không có phiên nào hút tiền về; nâng tổng lượng tiền bơm ra thị trường kể từ đầu tháng 11 đến nay lên 141.340 tỉ đồng mà chỉ có 5 ngày hút về 50.000 tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền bơm ròng ra thị trường từ đầu tháng 11 đến nay khoảng 91.340 tỉ đồng.
Ngân hàng cũng ngán đua lãi suất
Hiện tượng bất thường là tốc độ tăng lãi suất huy động vốn của các NH trong nước khá nhanh, trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá đang có xu hướng giảm. Giám đốc khách hàng cá nhân một NH cho hay lãi suất tiết kiệm cứ tăng kiểu này, không những khách hàng vay vốn mà cả NH cũng khó. NH này thiếu vốn, tăng lãi suất lên thì NH khác cũng buộc phải điều chỉnh để giữ nguồn vốn hiện tại. Cứ vậy mà mặt bằng lãi suất huy động leo thang. Tình trạng này thì những tháng tới kéo lãi suất cho vay lên mức cao mới, khách hàng cũng không “dễ thở”, NH cũng mệt mỏi theo.
Theo Công ty CP chứng khoán SSI, các chỉ tiêu thanh khoản NH là tâm điểm chú ý. Chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dụng vượt xa đáng kể so với tăng trưởng tiền gửi. Tăng trưởng tín dụng hiện khoảng 11,4% so với đầu năm, trong khi huy động 4,8% so với đầu năm. Điều này diễn ra ngay cả trong bối cảnh các NH tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở mức 3 - 4% so với đầu năm. Tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt của doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động/vay vốn. Đồng thời tiền đồng mất giá (giảm 8,6% so với đầu năm so với USD) cũng khiến việc nắm giữ USD và các tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến khoảng 7 - 8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, đặc biệt trong khi bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế, đã dẫn đến dư địa để các NH giải ngân cho các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả. Một phần lượng tiền mặt bị đóng băng, quay vòng chậm đã ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản chung của các NH.
Trước tình trạng này, NHNN vừa có Văn bản số 8253 yêu cầu các NH tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng đến nay khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% định hướng toàn hệ thống năm 2022. Do đó, các NH vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN yêu cầu các NH còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ nhưng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động NH, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Mặt bằng lãi suất tăng lên đã thu hút lượng tiền gửi khu vực dân cư tăng lên nhiều hơn so với tổ chức kinh tế. Dữ liệu vừa được NHNN công bố cho thấy lượng tiền gửi dân cư tăng hơn 380.000 tỉ đồng so với cuối năm 2021, lên 5,638 triệu tỉ đồng, tương đương mức tăng 6,38%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế chỉ bằng 1/3 so với khu vực dân cư, ở mức 2,43%, tương ứng 5,782 triệu tỉ đồng. Tổng phương tiện thanh toán lên hơn 13,832 triệu tỉ đồng, tăng 3,21% so với cuối năm 2021. Thế nhưng, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tiếp tục giảm từ 10,21% của tháng 8 xuống còn 9,78% vào tháng 9. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông giảm.
Bình luận (0)