Lại thêm khách hàng mất 100 tỉ

Anh Vũ
Anh Vũ
05/01/2019 07:43 GMT+7

Sau vụ 170 tỉ đồng tiền gửi 'bốc hơi' khỏi ngân hàng, một người phụ nữ ở TP.Hà Nội cho biết hơn 100 tỉ đồng mà bà đồng sở hữu cũng bị 'bốc hơi'.

Phía Ngân hàng TMCP Việt Á cho rằng, vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo, thậm chí gây rối, vu khống - ngược lại nhóm khách hàng tại Hà Nội “tố” lại nhân viên ngân hàng làm sai, lãnh đạo ngân hàng né tránh. Trong khi đó, lại có thêm 100 tỉ đồng nữa “bốc hơi” khi một số khách hàng khác tiếp tục kêu cứu.

Khách nói chưa rút, ngân hàng bảo rút rồi

Sau khi Thanh Niên đăng bài Vụ 170 tỉ đồng tiền gửi “bốc hơi” khỏi ngân hàng, chiều 4.1 lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã chủ động gọi điện thoại cung cấp thông tin: Vào giữa năm 2018, nhóm khách hàng trong đó có ông Đặng Nghĩa Toàn, Nguyễn Thị Hà Thành, ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh (bà Trinh và ông Cường là 2 khách hàng có đơn kêu cứu gửi Báo Thanh Niên về việc bị mất 170 tỉ đồng tiền gửi)... bắt đầu giao dịch tại VietABank, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu.
Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những khách hàng trên lập tức thực hiện việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ) và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên. Hành vi này khiến doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm đã lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng số tiền thực tế gửi tại ngân hàng còn lại rất ít (chênh lệch giữa tiền gửi và tiền vay).
Đồng thời nhóm khách hàng trên chuyển tiền qua lại lẫn nhau, trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành (đối tượng đã bị Công an Hà Nội khởi tố điều tra) trên hệ thống VietABank tại các chi nhánh khác nhau. “Đến thời điểm hiện nay, các sổ tiết kiệm liên quan đến nhóm này đã được cầm cố cho các hợp đồng vay nêu trên tại VietABank. Chúng tôi có đầy đủ chứng từ chứng minh việc chuyển tiền qua lại lẫn nhau giữa các đối tượng này”, đại diện VietABank khẳng định.
VietABank cho biết ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh không xuất trình được sổ tiết kiệm hoặc các chứng từ chứng minh việc nộp tiền vào ngân hàng lên tới 170 tỉ đồng, chỉ đưa ra các giấy tờ được ghi là hợp đồng tiền gửi. Theo quy định, ngân hàng không phát hành hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân, mà chỉ phát hành cho khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp; khách hàng cá nhân chỉ được ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi.
Trước những thông tin phản hồi của VietABank, Thanh Niên đã trao đổi với ông Ma Hữu Phan, người được khách hàng gửi tiền Triệu Hùng Cường và Triệu Thị Tuyết Trinh ủy quyền giải quyết vụ việc cho rằng, toàn bộ 6 hợp đồng tiền gửi trị giá 170 tỉ đồng đều do VietABank phát hành theo biểu mẫu, có chữ ký, con dấu của ông Quản Trọng Đức, Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank vào thời điểm đó.
Ông Phan khẳng định ông có chứng cứ là 6 giấy nộp tiền vào tài khoản VietABank với đầy đủ chữ ký, tên của từng người như: giao dịch viên Nguyễn Thị Hồng Nhung, thủ quỹ Bùi Thị Na, kiểm soát viên Nguyễn Mai Phương...

Thêm một khách hàng “kêu” mất 100 tỉ đồng

Trong một diễn biến khác, ngoài 170 tỉ đồng của nhóm trên, bà P.T.T, ngụ tại Hà Nội cho biết mình cũng đứng tên đồng sở hữu gửi 100 tỉ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank, địa chỉ 18T1 đường Lê Văn Lương, TP.Hà Nội. Số tiền này được chia làm 2 lần, 2 hợp đồng. Hợp đồng số 3807/2018/VAB-CN với kỳ hạn 3 tháng từ ngày 26.7.2018 đến ngày 26.10.2018, giá trị 40 tỉ đồng do bà đứng tên đồng chủ sở hữu. Lãi suất khoản tiền gửi này là 5,5%/năm. Khoản thứ 2 là thỏa thuận đồng sở hữu số tiền 60 tỉ đồng, trong đó bà T. đứng tên chủ sở hữu thứ nhất 50 tỉ, còn lại của một cá nhân khác.
Đến ngày 27.12 cả hai khoản tiền gửi trên đã quá hạn, bà T. đến ngân hàng rút tiền nhưng không rút được. Theo bà T., phía ngân hàng ban đầu thông báo toàn bộ số tiền gửi trên đã được chuyển sang tiết kiệm và làm tài sản đảm bảo để vay với số tiền tương đương và được ngân hàng tất toán. Song bà T. lại không hề biết gì về việc này.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Pháp chế VietABank tại hội sở, sau đó “đính chính” thông tin rằng VietABank không phát hành hợp đồng tiền gửi cá nhân và nghi ngờ có sự giả mạo từ phía khách hàng từ hợp đồng tiền gửi mang tên bà T.
Phía VietABank cho biết, có nhiều khách hàng trong vụ việc này liên quan đến đối tượng là Nguyễn Thị Hà Thành, người mà theo VietABank, không phải cán bộ của ngân hàng. “Khi nhận thấy các giao dịch bất thường, liên tục mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu và cầm cố vay để rút tiền của ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh, ông Đặng Nghĩa Toàn, Nguyễn Thị Hà Thành và một số đối tượng khác nên đầu tháng 12.2018, VietABank đã làm đơn gửi Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ sự việc. Ngày 24.12, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội”.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát, NHNN thông tin đã nắm được diễn biến sự việc. “Vụ việc này khá phức tạp, có dấu hiệu lừa đảo. NHNN đã có văn bản gửi Bộ Công an, hiện nay phía công an đang điều tra và sẽ có kết luận chính thức. Khi đó trách nhiệm của ngân hàng, đối tượng liên quan đến đâu, như thế nào sẽ phải xử theo đúng quy định của pháp luật”, vị lãnh đạo này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.