Như vậy, Uber, Grab cũng như các ứng dụng xe hợp đồng điện tử (xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi) sẽ được phép tiếp tục thí điểm tại các địa phương cho tới khi ban hành chính thức Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định 86. Đáng nói là trước khi “tiếp tục” thí điểm thì chúng ta đã có thời gian thí điểm 2 năm và thời hạn thí điểm mới kết thúc vào ngày 7.1 vừa rồi. Đáng nói hơn là trong 2 năm thí điểm đó, hàng loạt cuộc xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đã xảy ra. Từ va chạm giữa các tài xế; dán băng rôn phản đối Uber, Grab; địa phương này cấm; hiệp hội taxi tỉnh kia kiến nghị cho tới lôi nhau ra tòa... Cũng trong thời gian đó, hàng loạt vấn đề như phù hiệu giả; mua bán đăng ký tài khoản Uber, Grab; bảo mật thông tin khách hàng; tình trạng gia tăng số lượng xe, gây ùn tắc giao thông; không kiểm soát được các phương tiện vận tải; sự thiếu bình đẳng trong hoạt động vận tải giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ... đã phát sinh. Tất nhiên, không thể phủ nhận việc có mặt của Uber, Grab đã tạo ra một thị trường taxi cạnh tranh về giá, chất lượng, dịch vụ; thị trường vận tải taxi hết tình trạng độc quyền trong tay mấy ông lớn như trước đây nên người tiêu dùng được hưởng lợi. Nói tóm lại là mặt tích cực, tiêu cực đều bộc lộ hết sức rõ ràng. Mà thí điểm, mục đích cuối cùng cũng chỉ để biết một mô hình bất kỳ nào đó có cần thiết, có hiệu quả hay không; cần điều chỉnh, thêm bớt cái gì? Nếu hiệu quả thì nhân rộng, không thì ngưng... Nên việc cần làm bây giờ là tổng kết, đánh giá và điều chỉnh chính sách cho phù hợp, trong đó quan trọng nhất là tạo ra môi trường kinh doanh công bằng để các hãng taxi cùng cạnh tranh, tạo ra nhiều phân khúc dịch vụ để người dùng lựa chọn... chứ không phải tiếp tục thí điểm nữa.
Còn tiếp tục thí điểm đồng nghĩa với tiếp tục các xung đột, mâu thuẫn, kiến nghị, họp hành... giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Tiếp tục thí điểm cũng có nghĩa là tiếp tục chưa định danh Uber, Grab là loại hình gì nên chưa thể có phương án quản lý phù hợp; ngành thuế vì thế tiếp tục thất thu, thậm chí còn phải đối mặt với việc bị kiện nếu có ý định cưỡng chế thuế như Cục Thuế TP.HCM với Uber hồi cuối năm 2017...
Đáng lẽ tất cả những vấn đề này phải được chuẩn bị trước để kết thúc thời gian thí điểm có một giải pháp cụ thể chứ không thể bắt các xung đột, mâu thuẫn, các vụ kiện cáo, thuế... lại tiếp tục thí điểm để đợi “tới khi ban hành chính thức Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định 86” như thế này.
Bình luận (0)