Lại tranh cãi quanh bộ sách Cánh Diều

Kim Lan
Kim Lan
19/11/2020 05:00 GMT+7

Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa có quyết định chính thức về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, nhưng nội dung công bố lấy ý kiến góp ý chỉnh sửa bộ sách Cánh Diều lại tiếp tục là đề tài khiến bạn đọc Báo Thanh Niên tranh cãi. .

Như Thanh Niên đã đưa tin, dự thảo tài liệu “Điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1” (bộ sách Cánh Diều) được Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM công bố, nhiều ý kiến cho rằng sửa như vậy vẫn chưa ổn, còn mập mờ, khó hiểu.

“Đẽo cày giữa đường”

Bạn đọc (BĐ) Minh Chon Le lưu ý bộ sách Cánh Diều là sách xã hội hóa, tức “hễ tốt thì được chọn dùng, không tốt thì bị đào thải”. Vì vậy, bản thân những người soạn sách “muốn xã hội chọn sách của anh thì anh phải dùng trí tuệ của mình để hoàn thiện bộ sách, chứ sao lại đi kêu gọi đóng góp trí tuệ xã hội?”.

Đề nghị bỏ. Lấy sách hồi những năm 80 ra học lại. Sách vừa nhân văn vừa dễ hiểu cho trẻ lớp 1. Chỉ chỉnh sửa lại bộ sách những năm 80, có mở ngoặc hoặc ghi chú các từ địa phương.    

Cậu ba SG

Nhiều BĐ cũng phân tích rằng Cánh Diều là một trong các bộ sách được đưa ra để lựa chọn, không phải là sản phẩm duy nhất, bắt buộc dùng trong trường học, nên chuyện chỉnh sửa như thế nào là chuyện của nhóm soạn sách, “miễn phù hợp sẽ được chấp nhận”, và nhóm biên soạn phải tiếp tục chịu trách nhiệm với các nội dung chỉnh sửa.

Hoan nghênh tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, hiệu đính, chỉnh sửa cho hoàn hảo, phù hợp với yêu cầu của mọi người hơn.

Nguyễn Đình Hòa

BĐ Đình đặt câu hỏi: “Tại sao không thu hồi mà phải sửa chữa chắp vá bộ sách Cánh Diều  trong khi còn có tới 4 bộ lớp 1 khác để thay thế? Chưa kể còn có thể chọn lại sách giáo khoa năm ngoái, cũng có sao đâu?”. Tán thành, BĐ Đặng Xuân Diễn nhận xét: “Chỉ cần lấy sách giáo khoa cũ dạy cho các cháu lớp 1 biết đọc, biết viết, và dạy cho các cháu ngoan, là được rồi”. BĐ Ngọc Hiếu Phạm nêu “quan điểm của tôi là phải thu hồi bộ sách này, sử dụng bộ sách khác”, đồng thời nhận xét với cách “đẽo cày giữa đường” khi công bố dự thảo chỉnh sửa thì “Sửa chữ làm gì? Càng sửa càng rối”.

Cần bình tĩnh

Phát biểu trên Thanh Niên, PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cho rằng nội dung chỉnh sửa vừa công bố đã cho thấy thực tế “càng sửa càng sai”. Ông Đạt bảo lưu quan điểm: Cuốn sách này không phải có nhiều sạn, mà là sai cơ bản và cần phải thu hồi.

Bộ sách Cánh Diều lớp 1 phải được thu hồi ngay lập tức chứ không chỉnh sửa gì cả.    

Bao công

Nhiều ý kiến của BĐ đồng ý với quan điểm của PGS Nguyễn Hữu Đạt. BĐ Mai Quốc Dũng muốn “bỏ luôn đi, chứ thảo với dự làm gì. Lấy sách thế hệ 8X ra học cho lành”. BĐ Luong Le cũng “đề nghị loại bỏ bộ sách này” vì lo lắng về một viễn cảnh rối rắm là “càng chỉnh càng sai”. Vì nếu đã “sai ngay từ phương pháp soạn sách” thì nói như BĐ Keidi Nguyen, “có sửa kiểu gì thì vẫn là sản phẩm lỗi. Tại sao cầm tiền đi mua hàng lại không được chọn sản phẩm tốt nhất?”.
Đa số các ý kiến BĐ đều nhận xét nếu để xã hội phải một lần nữa “tốn giấy mực tranh luận” thì có vẻ như các em học sinh đang “bị ép” học bộ Cánh Diều. BĐ Duy Long Nguyễn Trường đề nghị nhóm biên soạn “nên bình tĩnh nghiên cứu cho thật tốt khi thay các từ, đừng để bộ sách giáo khoa mang tính chắp vá rồi lại phải đi đính chính cả tài liệu chỉnh sửa thì mắc cười lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.