Chỉnh sửa sách giáo khoa Cánh Diều: Vẫn mập mờ, khó hiểu

18/11/2020 07:28 GMT+7

Dự thảo tài liệu 'Điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1' (bộ sách Cánh Diều) được Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM công bố, nhiều ý kiến cho rằng sửa như vậy vẫn chưa ổn, vẫn mập mờ, khó hiểu.

Nhiều giáo viên (GV) cho rằng tuy các từ ngữ không hợp lý đã được thay thế, nhưng vẫn cần chỉnh sửa có hệ thống và bài bản hơn.

Làm đứt mạch kiến thức

Chăm chú nghiên cứu phần tài liệu “Điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt 1” của bộ sách Cánh Diều vừa công bố, cô N.T.M, GV lớp 1 của một trường tiểu học ở TP.HCM, cho biết tác giả bộ sách đã phần nào tiếp thu ý kiến của dư luận.
Trong đó, theo cô N.T.M, một số từ lóng, mang nghĩa thô tục hoặc không rõ đã được thay thế như từ “dưa đỏ” được thay thành “quả dưa”, “nhá cỏ, nhá dưa” được bỏ hoàn toàn thay thành việc chú thỏ trong câu chuyện “la cà chỗ nọ, chỗ kia”, từ “cuỗm” được thay bằng “tha”... Các bài đọc thay thế cũng được nhiều GV đánh giá hợp lý và đã bỏ được các từ lóng như “tợp mỡ”, “chén cá”...
Tuy nhiên, theo cô N.T.M, việc thay đổi, bổ sung này mang tính chắp vá và làm “hài lòng dư luận” thay vì nhìn nhận đến tổng thể cuốn sách. Ví dụ, khi thay từ “cuỗm” bằng từ “tha” thì không hợp lý vì nếu đặt vào hoàn cảnh thực tế, từ “cuỗm” đưa vào bài đọc nhằm giúp học sinh (HS) ôn lại vần “uôm” vừa mới được học trước đó, còn chữ “tha” thì không đóng được vai trò này. Nếu thay thế bằng một từ đồng nghĩa nhưng lại không cùng vần thì làm mất định hướng giáo dục.
“Do đó, có thể vì thời gian gấp gáp nên nhóm biên soạn sách chưa tính toán được tính xuyên suốt mà chỉ chọn những từ bị phản ánh và thay vào đó một từ khác cùng nghĩa”, cô N.T.M nói và cho rằng việc bổ sung sửa đổi sách nếu có thì cần được làm bài bản và các từ đưa vào phải được tính toán kỹ hơn.
 Học sinh Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) học sách giáo khoa tiếng Việt bộ Cánh Diều ẢNH: NGỌC THẮNG

Học sinh Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) học sách giáo khoa tiếng Việt bộ Cánh Diều

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tương tự, cô Thanh Nga, GV lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM), một trong số ít trường chọn dạy theo bộ sách Cánh Diều, cho rằng nếu thay đổi theo phần tài liệu bổ sung mới của Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM thì mạch liên kết này sẽ bị đứt. “Chúng tôi mong muốn chương trình không bắt buộc GV phải thay đổi ngữ liệu theo phần tài liệu bổ sung mà được linh động dạy và có thể đưa vào những từ phù hợp hơn”, GV này nói.
Cũng theo các GV, chỉ sau 2 tháng, phần lớn HS đã có thể đọc trơn được bài đọc dài đến 10 câu, nhanh hơn rất nhiều so với chương trình học cũ. Trên thực tế, trong khi phần tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu SGK tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều đang được các trường lấy ý kiến thì nhiều GV vẫn giảng dạy theo các bài học cũ của SGK trước đó.

“Càng sửa càng... sai”?

Một số ý kiến khác cho rằng, các bài đọc trong tài liệu chỉnh sửa SGK Cánh Diều bổ sung thiếu hẳn cái hay, cái đẹp của ngữ liệu. HS lớp 1 đọc xong những bài như vậy chắc hẳn sẽ không đọng lại gì trong ký ức về những bài đọc đầu tiên trong đời như các thế hệ trước.
Chiều 17.11, PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cho rằng nội dung chỉnh sửa vừa công bố đã cho thấy thực tế “càng sửa càng sai”. Ông bảo lưu quan điểm: Cuốn sách này không phải có nhiều sạn, mà là sai cơ bản và cần phải thu hồi. Thứ nhất, sai về phương pháp biên soạn. Thứ hai, sai về ngôn ngữ khi người biên soạn rất “ngô nghê” trong việc giải thích từ ngữ cho trẻ em. Dạy cho trẻ là phải dạy bài bản, logic ngay từ đầu. Là SGK tiếng Việt mà tiếng Việt lại không đạt yêu cầu thì không thể chấp nhận được. Biên soạn đã chắp vá thì giờ đây cách chỉnh sửa cũng mang tính chắp vá.
Một GV Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết SGK không chỉ có nhiều từ ngữ, ngữ liệu không phù hợp mà việc sắp xếp thứ tự âm vần trong bài học cũng không hợp lý. Ví dụ, dạy âm “qu” trước âm “u” rất khó khăn cho HS, cụ thể âm “qu” dạy vào bài 24 thì âm “u” đến bài 30 mới học; nhiều bài đọc có nhiều âm trong một bài gây quá tải. Do vậy, khi chỉnh sửa cũng phải điều chỉnh tất cả những bất cập này.

Nhiều vấn đề chưa được giải quyết

Thầy H.C.T, GV một trường tiểu học ở H.Hóc Môn (TP.HCM), cho rằng việc chỉnh sửa này chỉ nhằm “chuẩn mực hóa nội dung và mỹ hóa ngôn ngữ văn học”. Theo thầy H.C.T, nhiều nội dung, câu từ trong sách cần phải chỉnh sửa bài bản vì có quá nhiều từ đơn, khó hiểu. Nên nếu chỉnh sửa thì cần cân đối lại tổng thể cuốn sách chứ không chỉ thay thế một số từ hay bài đọc.
Trong khi đó, theo tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai, Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ, nhóm biên soạn đã có thay đổi và lắng nghe ý kiến của dư luận. Dù vậy, có thể việc phải đưa ra tài liệu chỉnh sửa trong thời gian ngắn, lại khá bị động nên phần chỉnh sửa chưa thật chỉn chu.
Về mặt tích cực, theo ông Hồ Xuân Mai, phần tài liệu bổ sung đã loại bỏ nhiều từ lóng mang nghĩa thô tục, từ khó hiểu như “tợp”, “chén”, ngựa thở “hí hóp”, quạ kêu “quà quà”. Nhưng nếu đánh giá cả cuốn sách thì rất nhiều từ địa phương, vùng miền vẫn được sử dụng, trong đó từ “chả” (đồng nghĩa với từ “không”) được sử dụng dày đặc, chương trình học còn khá nặng so với HS lớp 1 khi mỗi bài đi tới hai vần trong khi một tiết dạy chỉ có 30 phút.
“Với HS lớp 1, nội dung trình bày cần phải cụ thể, gần gũi; tránh phải giải thích nhiều bởi như vậy các em sẽ không hiểu, không nhớ gì, hiệu quả giảng dạy sẽ không cao nên tốt nhất chỉ cần đưa những từ đơn giản, phổ thông, dễ đọc, dễ nhớ. Sau này ở các lớp sau các em sẽ học nâng cao với các từ khó hơn”, ông Mai nói thêm.

Đừng để phải đính chính cả tài liệu chỉnh sửa!

Dự thảo tài liệu "Điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu SGK tiếng Việt 1" được Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM công bố, ở phần ngữ liệu, đơn vị xuất bản dùng “bổ sung” và “giới thiệu một số ngữ liệu để GV có thể sử dụng”...
Điều này đang gây băn khoăn trong chính GV. Một GV Trường tiểu học Xuân La (Q.Tây Hồ, Hà Nội) thắc mắc: “Nếu “bổ sung” thì có thể hiểu là có thể dạy bài đọc cũ hay bài đọc bổ sung đều được, nhưng nếu “thay thế” thì bắt buộc GV không thể dạy bài đọc cũ. Đây là những nội dung cần làm rất rõ chứ không chỉnh sửa rồi mà vẫn khó thực hiện”.
Không ít GV khác cho rằng cách dùng từ rất “mập mờ” của đơn vị xuất bản như vậy nếu được Bộ phê duyệt thì sẽ làm cho GV bức xúc và hoang mang hơn.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), nơi phần lớn các trường chọn SGK tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều, cho biết vì những nội dung chưa phù hợp của SGK nên việc quản lý, chỉ đạo và dạy học chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn.
Ông Vũ cũng cho rằng khi đã chỉnh sửa, thẩm định, phê duyệt thì tài liệu này cần rất cẩn trọng, rõ ràng và chính xác; tránh trường hợp khi đưa vào sử dụng, thấy bất cập lại phải chỉnh sửa hoặc đính chính cả tài liệu chỉnh sửa. Đây cũng là đòi hỏi của rất nhiều nhà quản lý và GV đang sử dụng cuốn SGK này.

Bộ GD-ĐT chưa có quyết định chính thức về dự thảo tài liệu chỉnh sửa

Xung quanh những phản ứng ban đầu về chính nội dung chỉnh sửa, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng: Tài liệu chỉnh sửa mà nhà xuất bản bộ sách Cánh Diều đưa ra mới chỉ là dự thảo công bố để xin ý kiến góp ý. Ngày 21.11, Hội đồng thẩm định mới làm việc lần cuối cùng để đưa ra quyết định nội dung chỉnh sửa như vậy có phù hợp không. Do đó, Bộ GD-ĐT chưa có bất cứ bình luận hay quyết định nào chính thức về dự thảo tài liệu chỉnh sửa này.
Tuyết Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.