Nợ xấu những tưởng đã được "dọn dẹp" sạch sẽ, nhưng tuần qua bỗng nóng lại bởi một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về sự chênh lệch trong tỷ lệ, số liệu, cách xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Theo báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội, nợ xấu đã giảm xuống còn 2,9% - Ảnh: Ngọc Thắng |
Sau 3 năm tái cơ cấu, “đại phẫu” nợ xấu, ngày 21.10, báo cáo trước Quốc hội (QH) về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tính tới tháng 9.2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống được kéo giảm từ mức 17,4% tổng dư nợ (thời điểm tháng 9.2012) xuống còn 2,9%. Mức này xấp xỉ chỉ tiêu QH giao 3%, phù hợp với thông lệ quốc tế đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thận trọng đánh giá, nợ xấu chưa được xử lý một cách triệt để do công tác thu hồi còn chưa hiệu quả. Ngành ngân hàng phải quyết liệt hơn, và đặc biệt đẩy mạnh thanh lý, bán và xử lý nợ tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC).
"Vênh" vì ngân hàng giấu nợ
Thế nhưng trả lời báo chí sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, “còn một vấn đề” mà ông chưa yên tâm, đó chính là sự “vênh” của số liệu nợ xấu. Bởi trước đó không lâu, ngày 17.10.2015, báo cáo của Chính phủ về kết quả tái cơ cấu lại đưa ra những con số khác. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu đạt mức cao nhất là 4,94% thời điểm tháng 9.2012, đến tháng 10.2013 lại giảm xuống 4,5% và cuối tháng 9.2015 còn dưới 3%. Như vậy, số liệu nợ xấu có sự vênh nhau khá lớn vào cùng thời điểm tháng 9.2012. Một báo cáo là 4,94% và một báo cáo là 17,4%. Nên tỷ lệ nợ xấu thực là bao nhiêu và tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy là câu hỏi không chỉ ông Giàu mà nhiều người đặt ra.
Trao đổi với Thanh Niên cuối tuần qua, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát (thuộc NHNN) khẳng định, không phải do báo cáo của Chính phủ thiếu nhất quán. Sở dĩ có 2 tỷ lệ nợ xấu là do được đánh giá, tính toán, thống kê số liệu qua 2 nguồn khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu 4,9%, tương đương 133.060 tỉ đồng là theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) còn con số 17,4% là của cơ quan thanh tra - giám sát sau khi đã soi chiếu nợ xấu cả trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp; ủy thác cấp tín dụng; các khoản nợ xấu tiềm ẩn do cơ cấu lại và kể cả nợ của hai “con tàu đắm” Vinashin và Vinalines nên tổng nợ xấu thực chất lên tới 465.000 tỉ đồng.
Hệ quả của bùng nổ tín dụng
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hai con số nợ xấu vênh nhau rất lớn. Nếu thừa nhận con số thấp có thể "kê cao gối" ngủ, còn chấp nhận con số cao sẽ phải đối diện với sự thật cay đắng. Đó chính là hệ quả của quá trình bùng nổ tín dụng trong giai đoạn 2008 - 2011 lên tới 50%, tập trung chủ yếu vào bất động sản, chứng khoán.
Nguyên Thống đốc NHNN - đại biểu QH Cao Sĩ Kiêm cho rằng, quan điểm của ông “phải chấp nhận sự thật, chịu đau” và phải dám nhìn vào con số thật qua giám sát, chứ không phải con số mà các TCTD cố tình che đậy. Bởi trước đó không ít nhà băng chỉ báo cáo nợ xấu dưới 3%, tuy nhiên kết quả thanh tra tỷ lệ nợ xấu lại cao gấp nhiều lần, thậm chí có đơn vị gấp hàng chục lần. Lý do các nhà băng che giấu nợ, theo TS Kiêm, vì nợ xấu cao, họ phải trích lập nhiều dự phòng rủi ro hơn, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và cổ tức.
Thực tế, vì giấu nợ xấu, đến khi nợ xấu ăn mòn vào tài sản, một loạt các nhà băng đã bị xóa sổ, phải sáp nhập và mua lại với giá 0 đồng. Còn hiện nay, phần lớn lợi nhuận đã bị trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và theo các tiêu chuẩn, thông lệ thế giới khắt khe nhất. Thống kê của NHNN cho thấy, trong suốt giai đoạn tái cơ cấu kể từ sau năm 2012 đã có 450.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý. Trong số đó, các ngân hàng đã tự xử lý được gần 60%, số còn lại được bán cho VAMC.
Vào được, ra không được
Câu chuyện dọn dẹp nợ xấu chỉ là khởi đầu, và nút thắt hiện tại đang nằm ở chính “nhà kho” chứa nợ VAMC. Lũy kế từ 2013 đến đầu tháng 10.2015 VAMC phát hành được 191.333 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt, mua nợ gốc 225.518 tỉ đồng, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC, công ty này mới chỉ bán được 15.669 tỉ đồng. Một con số mà ông thừa nhận "quá ít, quá chậm". Lý do theo ông Hùng, VAMC bị hàng loạt vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Cụ thể, Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý, tuy nhiên khi thực hiện VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ được nếu chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí kiện ngân hàng ra tòa, cố ý không thực hiện việc bàn giao tài sản đảm bảo để phát mại. Hay về xác định giá khởi điểm để phát mại. Giá thường được xác định rất cao so với thị trường dẫn đến việc bán đấu giá thường bị kéo dài. Nên dù quy định tại Thông tư 18 của Bộ Tư pháp đã cho phép rút ngắn thời gian đấu giá xuống 15 ngày thì việc đấu giá một tài sản đảm bảo cũng phải thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 - 5 tháng mới có thể thành công. Trường hợp đấu giá không thành, VAMC được thỏa thuận trực tiếp với bên mua, tuy nhiên cũng phải được chủ tài sản đồng ý thì mới có thể tiến hành thực hiện.
Đó chỉ là hai trong số hàng chục kiến nghị dài tới 10 trang giấy mà theo ông Hùng nếu QH không sớm thống nhất để ban hành luật về nợ xấu hoặc ra nghị quyết, hay các bộ, ngành không sửa đổi quy định để trao cho VAMC “thanh kiếm” thì sẽ không bao giờ giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu.
|
Bình luận (0)