Lại tự làm khổ nhau

09/11/2014 16:00 GMT+7

Dạo này du lịch 'được mùa' thời sự, nào là dự án cáp treo Sơn Đoòng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), scandal khu du lịch Đại Nam, du khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ 6%… Giờ có thêm dự thảo 'hạn chế ô tô khách trên 30 chỗ lưu thông trong trung tâm TP.HCM từ 6 - 24 giờ hằng ngày của UBND TP, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2015'.

Dạo này du lịch ''được mùa'' thời sự, nào là dự án cáp treo Sơn Đoòng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), scandal khu du lịch Đại Nam, du khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ 6%… Giờ có thêm dự thảo “hạn chế ô tô khách trên 30 chỗ lưu thông trong trung tâm TP.HCM từ 6 - 24 giờ hằng ngày của UBND TP, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2015”.

>> Xe chở khách du lịch vào trung tâm phải có 'giấy phép con'?
>> Tàu, xe chở khách du lịch sẽ được xếp hạng sao

Những xe lớn trên 30 chỗ chở du khách vào trung tâm TP.HCM sắp tới phải xin giấy phép
Những xe lớn trên 30 chỗ chở du khách vào trung tâm TP.HCM sắp tới phải xin giấy phép - Ảnh: D.Đ.Minh

Theo dự thảo, xe trên 30 chỗ phục vụ cưới hỏi, lễ hội, đưa đón học sinh, du lịch… phải được cấp phép. Hồ sơ để Sở GTVT cấp phép gồm “văn bản kiến nghị, giấy đăng ký xe, kiểm định xe, đăng ký kinh doanh và các giấy tờ liên quan”.

Ngày 15.10, Sở GTVT đã có văn bản gửi đến các cơ quan và tổng công ty Saigon Tourist (SGT) đề nghị góp ý cho dự thảo này để tổng hợp ý kiến trình UBND TP. Gửi cho các cơ quan nhà nước thì đúng rồi, nhưng sao chỉ có SGT trong này. Hay đó là “con riêng” của thành phố, được hỏi trực tiếp? Các doanh nghiệp du lịch lập tức phản ứng. Nhiều người chép miệng “Lại tự làm khổ nhau” bằng những văn bản kiểu “đùng một cái”. May là dự thảo nên còn được hỏi ý kiến. Dự thảo thể hiện tính cục bộ của ngành GTVT nhằm hạn chế nạn kẹt xe nhưng lại “hành khách”, làm khó thêm cho ngành du lịch.

Ai cũng biết, kẹt xe ở thành phố không phải do xe du lịch. Cũng không phải do nhiều xe đủ loại mà bởi sự quản lý yếu kém của ngành và ý thức của người dân. Xe buýt thiếu và kém; đường phố thường ngập sau mưa và triều cường; đường hẹp, phân luồng chưa hợp lý lại còn đào xới… Các thành phố lớn trên thế giới, xe còn nhiều gấp 5-7 lần Sài Gòn. Kẹt xe xứ người do quá đông xe nhưng vẫn trật tự; còn kẹt xe xứ mình do giành lấn, chẳng ai nhường ai, tín hiệu giao thông chỉ để trang trí. Nếu dự thảo được thông qua sẽ là đòn đau đánh vào ngành du lịch thành phố vốn đã ốm yếu sẵn. Thêm giấy phép con là thêm viên chức, thêm thủ tục, thêm thời gian và cuối cùng là thêm chung chi. Cơ chế xin - cho lại tha hồ quấy nhiễu. Xe sẽ đội giá vì giấy phép, vì chung chi mà không ai biết rõ giá cả, chỉ “đục nước béo cò” và du khách lãnh đủ.

Xe khách các tỉnh sẽ tránh xa thành phố. Chỉ vào ăn cơm mà phải mang một đống giấy tờ, chầu chực xin phép, tốn thêm tiền. Chẳng thà nhịn đói, mang theo cơm nắm, hoặc ăn tạm dọc đường còn hơn là tự chuốc thêm phiền hà và đội giá. Ước tính mỗi ngày, có hàng chục ngàn xe trên 30 chỗ ra vào thành phố. Thế là thêm nhân sự, không thể rồng rắn xếp hàng ở sở. Phải có thêm văn phòng ở các cửa ngõ thành phố. Ngân sách sở sẽ có thêm nguồn thu, mặc cho ngành du lịch giãy dụa.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, lợi nhuận không chỉ tính bằng tiền mà còn là hình ảnh quốc gia và nhiều thứ khác. Chẳng thế, thiên hạ luôn dành ưu tiên cho du lịch vì khách tự nguyện mang tiền đến cho mình, đặc biệt là khách nước ngoài. Làm khó ngành du lịch là làm khổ đất nước. Hà Nội từng bị phản ứng dữ dội bởi cách làm khó du khách như dự thảo của TP.HCM. Lúc đó, nhiều người đề nghị nên dời đô, dời các danh thắng ra ngoại thành hoặc sắm thêm trực thăng - taxi để trung chuyển khách vào trung tâm thủ đô. Hạn chế xe trên 30 chỗ, khách sẽ đi xe 16 chỗ, taxi, xe ôm… càng kẹt bạo.

Thay cho dự thảo hơi ngớ ngẩn này, chỉ cần ngồi lại với ngành du lịch là có ngay cách làm hợp lý và đơn giản. Tất cả xe chở khách, kể cả dưới 30 chỗ, ra vào thành phố phải có hợp đồng và chương trình du lịch, có điểm đón - trả - ăn nghỉ - tham quan - shoping… là quá đầy đủ. Cách làm này còn hạn chế công ty du lịch ma, xe vận chuyển khách chui đang nhan nhản khắp thành phố. Tôi tin rằng dự thảo sẽ bị lãnh đạo thành phố bác bỏ vì sự vô lý. Một trọng điểm du lịch cả nước, vừa tiên phong lập lại Sở Du lịch, thể hiện sự quan tâm và ưu ái của thành phố, lẽ nào lại có cách làm tréo ngoe như vậy. Mong rằng những dự thảo kiểu “đùng một cái”, “quân ta làm hại quân mình” sẽ không còn tái diễn ở thành phố năng động này.

Huỳnh Dạ Thảo (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân ở TP.HCM

>> Clip: Nhiều người tiếc nuối khi Khu du lịch Đại Nam sắp đóng cửa
>> Khu du lịch Đại Nam đóng cửa 2 tháng: ‘Không ảnh hưởng đến thu ngân sách của Bình Dương’
>> Khu du lịch Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng đóng cửa 2 tháng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.