Lãi vay duy trì từ 12 - 15%/năm
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteell - mã chứng khoán TVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 7.947 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2022. Kết quả, VNSteel báo lỗ sau thuế 172 tỉ đồng, có cải thiện hơn so với số lỗ 576 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNSteel đạt 23.027 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ trước thuế ghi nhận hơn 431 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 383 tỉ đồng. Trong 9 tháng năm nay, Tổng công ty Thép Việt Nam đã trả tổng cộng lãi vay 278,3 tỉ đồng, cao hơn 37 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước dù tổng số nợ vay không thay đổi nhiều.
Hay theo báo cáo của Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (mã chứng khoán VNG), 9 tháng năm nay công ty đạt doanh thu hơn 514 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy lợi nhuận sau thuế công ty đạt 2,42 tỉ đồng, giảm gần 1 tỉ đồng so với 9 tháng năm 2022. Trong số các chi phí thì lãi vay trong 9 tháng năm nay tăng mạnh lên 117 tỉ đồng, cao hơn 32,4 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần do công ty có tăng vay nợ dài hạn trong kỳ nhưng phần khác lãi suất phải trả vẫn ở mức cao. Hiện công ty trả lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn từ 7,5 - 12,7%/năm và lãi vay dài hạn từ 9,3 - 14,9%/năm. So với báo cáo cuối quý 1/2023, nhiều khoản vay vẫn đang giữ nguyên lãi suất phải trả ở mức 12%/năm.
Một đơn vị khác là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) báo cáo doanh thu quý 3/2023 tăng mạnh 63% lên 4.461 tỉ đồng nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế 327 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 64 tỉ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý. Điều đáng nói, trong quý 2/2023 liền trước doanh nghiệp này vừa ghi nhận khoản lãi cao nhất lịch sử đạt 426 tỉ đồng. Nguyên nhân là biên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm sâu xuống 3,4% so với mức gần 18% của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chi phí tài chính cao gấp đôi so với cùng kỳ, do áp lực lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Tổng cộng trong 9 tháng năm nay, Lộc Trời đã chi trả hơn 438 tỉ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước do số vay nợ lên cao hơn. Hiện nhiều khoản vay ngắn hạn của Lộc Trời có lãi suất lên đến 10,5 - 11,5%/năm và giữ nguyên như giữa năm nay. Ngay cả khoản vay dài hạn (kỳ hạn 36 tháng) cũng phải trả lãi suất lên đến 10,7%/năm, duy trì như báo cáo cuối tháng 3 vừa qua...
Ngân hàng chỉ giảm lãi vay nhỏ giọt
Bất chấp lãi suất huy động tiền gửi đã giảm mạnh trong nhiều tháng qua. Hiện trên thị trường, người gửi tiết kiệm hầu hết chỉ nhận được lãi suất từ 5 - 5,6%/năm tùy theo kỳ hạn và số tiền. Nếu so với đầu năm, lãi suất tiết kiệm đã thấp hơn 3 - 4% nhưng lãi vay các hợp đồng cũ của cá nhân, doanh nghiệp vẫn giảm nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, cho hay lãi suất cho vay tại các ngân hàng, đặc biệt ngân hàng nhỏ giảm rất chậm. Bản thân doanh nghiệp ông là khách hàng uy tín, lâu năm mà vẫn đang trả lãi suất cho khoản vay trung hạn 11%/năm và ngắn hạn là 8,8%/năm. So với đầu năm, lãi suất vay ngắn hạn chỉ giảm được đúng 1,7%/năm. Còn nếu so với lãi suất phải trả cao nhất là 8%/năm vào đầu năm 2022 thì doanh nghiệp vẫn phải trả mức lãi suất cao hơn mặc dù doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm.
TS Nguyễn Hữu Huân - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nhận định: Hầu như các hợp đồng vay cũ của doanh nghiệp, cá nhân đều vẫn phải trả lãi vay rất cao. Các trường hợp được giảm lãi vay thì mức giảm thấp và khá chậm nếu so với tốc độ lao dốc của lãi suất tiền gửi tiết kiệm mà các nhà băng công bố. Điều này cho thấy các ngân hàng đang muốn tối ưu hóa lợi nhuận của mình khi không tích cực giảm lãi vay cho khách hàng dù nguồn vốn giá rẻ hiện nay đã nhiều hơn trước. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khách hàng chuyển khoản vay cũ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác và có thể xem đây là một điều kiện để giúp kéo giảm lãi vay xuống thấp hơn. Tuy nhiên thực tế thì không mấy doanh nghiệp thực hiện được điều đó vì thủ tục phức tạp, phí trả nợ vay trước hạn cao... Chính vì vậy, ông cho rằng các doanh nghiệp đang phải "gồng mình" vì ngân hàng thương mại hầu như khó có sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp vì bản thân họ vẫn muốn thu được hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Bình luận (0)