Lai Vu sắp hết hoang vu?

16/08/2013 09:24 GMT+7

Khu công nghiệp Lai Vu rộng hơn 200 ha ở Hải Dương đang có cơ hội hồi sinh khi 2 doanh nghiệp lớn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, dự kiến thu hút 22.000 lao động, song lại gặp khó khăn khi bị người dân cản trở.

Hai doanh nghiệp đang chuẩn bị xây dựng nhà máy ở KCN này là Công ty TNHH may Tinh Lợi, có số vốn 2.300 tỉ đồng, thu hút 16.900 lao động và Công ty TNHH dệt Pacific Crystal có tổng vốn đầu tư 8.800 tỉ đồng, thu hút 6.000 lao động. Cả 2 công ty đã được giao đất, được cấp giấy chứng nhận đầu tư và sẵn sàng động thổ xây nhà máy.

KCN Lai Vu với 200 ha đến nay chỉ có 11 nhà đầu tư, còn lại bỏ hoang - d
KCN Lai Vu với quy mô 200 ha đến nay chỉ có 11 nhà đầu tư, còn lại bỏ hoang - Ảnh: Hải Đăng

Một đại diện của Công ty TNHH may Tinh Lợi cho biết: Công ty đang có rất nhiều đơn hàng và chỉ cần nửa năm để hoàn thành 4 xưởng sản xuất, đảm bảo cho hàng ngàn công nhân có việc làm với mức lương 4,5-5 triệu đồng.

Ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, khẳng định: “Chỉ cần 2 dự án này đi vào hoạt động thì bộ mặt của KCN Lai Vu sẽ rất khác. Người dân địa phương sẽ có việc làm, nhu cầu về ăn ở, sinh hoạt, thuê nhà trọ rất lớn cũng sẽ làm thay đổi khu vực này chứ không hoang vắng như bây giờ”.

Nhưng các dự án chưa triển khai được do sự cản trở của người dân Lai Vu.

Ngày 18.6, khi 2 công ty này khoan thăm dò để xây dựng nhà xưởng thì một số người già, trẻ em xã Lai Vu đã tụ tập và ngăn cản quyết liệt, buộc 2 công ty này phải dừng thi công.

Ngày 19.7, khoảng 200 người dân Lai Vu lại kéo đến khu vực này để dựng lều bạt giữ đất và thắp hương cúng lễ. Trước đó, hàng trăm người từ Lai Vu lên Hà Nội khiếu kiện vì cho rằng đơn giá bồi thường 36.000 đồng/m2 khi thu hồi đất cho dự án năm 2004 là quá thấp. Có 1.154 hộ trong diện giải phóng mặt bằng, 838 hộ đã nhận tiền đền bù, còn lại 316 hộ chưa nhận tiền.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết: UBND tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân bằng cách trả lãi suất ngân hàng cho những hộ chưa nhận tiền ở mức cao nhất, bố trí đất dịch vụ cho các gia đình bị thu hồi nhiều đất và vận động người dân không cản trở thi công. Nếu việc vận động không có kết quả, sau ngày 25.8 sẽ bố trí lực lượng để bảo vệ cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy.

“Mấu chốt của vấn đề là phải đưa 2 dự án lớn của Công ty Tinh Lợi và Công ty dệt Pacific đi vào hoạt động nhằm thu hút hàng vạn lao động, tạo ra động lực cho cả KCN phát triển. Khi đó thì người dân Lai Vu cũng sẽ có lợi vì họ có việc làm, có nguồn thu từ dịch vụ”, ông Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định. 

KCN Lai Vu cách Hà Nội 60 km, cách cảng Hải Phòng 40 km, một mặt giáp sông, một mặt nằm ngay trên trục đường QL5, đến nay chỉ có 11 nhà đầu tư.

Ông Lê Chung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu (thuộc Petrovietnam) cho biết: “Từ khi tiếp nhận KCN này, chúng tôi đã đón rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản… Đáng tiếc là họ đến đây, thấy nhiều doanh nghiệp để nhà xưởng bỏ hoang, người dân cản trở thi công, khiếu kiện kéo dài nên không dám đầu tư. Nếu người dân không cản trở, chúng tôi sẽ đưa KCN Lai Vu trở thành một KCN sôi động”.  

Hải Đăng

>> Bức xúc vì bị áp giá bồi thường đất không đúng
>> Dự án chậm do giá bồi thường quá thấp
>> Người dân 'dựng lều' ngăn không cho thi công bãi rác
>> Kêu gọi đầu tư vào KCN Giang Điền
>> HĐND tỉnh Long An làm việc về dự án KCN xử lý rác Tân Thành
>> Vụ tranh chấp dự án KCN Hòa Tâm: Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên “thả mồi bắt bóng” ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.