Làm bài kiểm tra lịch sử bằng cách tạo Facebook, đọc rap, thiết kế tạp chí...

Bích Thanh
Bích Thanh
10/04/2020 15:16 GMT+7

Học sinh làm bài kiểm tra 15 phút bằng cách thiết lập Facebook, thiết kế bìa tạp chí, lập hợp đồng công chứng cho các nhân vật lịch sử…

Ban đầu khi đưa ra yêu cầu học sinh thể hiện những hiểu biết của mình về nhân vật lich sử để lấy điểm bài kiểm tra 15 phút, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đơn giản nghĩ rằng học sinh có thể thiết kế sơ đồ tư duy hoặc vẽ tranh hoặc thiết kế video dài không quá 3 phút giới thiệu về nhân vật đó với đầy đủ hình ảnh, gia thế, công trạng.. Thế nhưng, thầy Du đã thực sự bất ngờ trước những sản phẩm của học trò. Không chỉ thể hiện kiến thức về nhân vật lịch sử, sự tìm tòi thu nạp kiến thức về giai đoạn lịch sử tương ứng mà còn thể hiện khả năng tư duy sáng tạo, ý thức nghiêm túc trong học tập.

Những sáng tạo bất ngờ khi học lịch sử

Với sự lựa chọn đa dạng các nhân vật lịch sử từ giai đoạn trung đến hiện đại, học sinh đã thể hiện khả năng sáng tạo về hình thức lẫn nội dung qua việc thiết kế trang Instagram, Facebook, tạo thẻ căn cước công dân, gắn những từ khóa độc đáo để trình bày về nhân vật.

Đó là trang cá nhân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đầy đủ các thông tin cá nhân như năm sinh, quê quán, danh xưng được lịch sử ghi nhận và trên dòng thời gian Facebook của nhân vật này là các sự kiện, các trận đánh lịch sử trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Còn học sinh Ngô Nhã Uyên, lớp 11D2 chọn hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thiết kế thành trang báo Những anh hùng Việt Nam với thông tin về gia thế và công trạng trong suốt cuộc đời gắn với câu nói nổi tiếng “Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”.

Hay có học sinh Trần Tú Hảo, lớp 11A5 chọn nhân vật của mình là nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và thiết kế nhân vật nổi tiếng thành bìa một cuốn tạp chí để ai cũng có thể hiểu những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng và lãnh đạo đất nước của bà.

Và sự sáng tạo của học sinh còn khiến giáo viên bất ngờ khi thể hiện câu chuyện lịch sử Lê Lai cứu Chúa bằng hình thức một hợp đồng công chứng có tên Hợp đồng cứu Chúa, trong đó thông tin các bên tham gia hợp đồng và nội dung hợp đồng chính là thông tin nhân vật và sự kiện lịch sử này…

Chọn nhà bác học Trương Vĩnh Ký làm nhân vật để tạo trang cá nhân trên mạng xã hội, Ngô Huệ Linh, lớp 10D2 chia sẻ, để thực hiện bài kiểm tra của mình, em phải chuẩn bị những thông tin về nhân vật, chọn lọc dữ liệu, hình ảnh đặc sắc, tiêu biểu để làm nổi bật nhưng vẫn gần gũi, dễ tiếp cận. Thông qua hình thức kiểm tra này, Huệ Linh nói rằng, môn lịch sử không còn là những lo ngại về học thuộc, học tủ do quá nhiều sự kiện, nội dung…

Giáo viên khơi gợi, chấp nhận sự sáng tạo để học sinh hứng thú

Trước những sản phẩm bài làm kiểm tra, thầy Nguyễn Viết Đăng Du chia sẻ rất bất ngờ trước sự sáng tạo của học sinh. Đề bài chỉ yêu cầu học sinh dùng Word để tạo một tiểu sử đơn giản của nhân vật mà các em yêu thích, nhưng các em đã dùng hết toàn bộ sự năng động và sáng tạo của mình để hoàn thành bài làm với nhiều hình thức mà giáo viên chưa bao giờ nghĩ đến như Profile trên Instagram, hợp đồng lao động, Đơn xin ứng cử, thậm chí là hát rap...

Qua đây, các em thể hiện tư duy, góc nhìn học lịch sử không còn cứng nhắc là học các sự kiện với các con số, địa danh khô khan. Nó được làm tươi mới bởi các hình thức do chính các em nghĩ ra, nên nó dễ dàng đi vào suy nghĩ và tâm hồn.

Đặc biêt, với góc độ giáo viên, thầy Đăng Du nhìn nhận, từ giải pháp tình thế là có một bài tập nào đó cho các em làm trong thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, các sản phẩm của các em cho thấy lịch sử chưa bao giờ là một môn học nhàm chán. Chỉ cần người dạy lưu ý biết khơi gợi, tạo điều kiện và chấp nhận sự sáng tạo của các em thì sẽ đem lại sự húng thú cho việc học lịch sử bất kể các em có đến trường hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.