Với khoảng thời gian trên dưới 10 ngày ấy, nếu nhà trường không có sự tổ chức thì các ngày tết của HS sẽ trở nên nặng nề, vô vị, mất hết ý nghĩa.
Tâm lý chung của giáo viên là lo lắng vì sau khi kiểm tra học kỳ 1 là cận kề với nhiều lễ hội, HS phổ thông thường có tâm lý “nghỉ xả hơi”, “rã đám” sớm. Sau tết, các em bắt nhịp lại với việc học khá chậm. Cho nên đa số giáo viên thường giao bài tập về nhà trong dịp tết cho HS, nhất là các lớp cuối cấp. Có trường còn lên kế hoạch đồng loạt kiểm tra 15 phút tất cả các môn học ngay tuần đầu tiên sau tết. Điều này làm cho học trò không vui, vì vừa đón tết vừa lo việc học. Trao đổi với HS, tôi thấy hầu hết các em đều mong muốn một cái tết “không có bài tập”.
Vì vậy, nhà trường và giáo viên không nên quá nặng nề việc học với HS mà nên dung hòa ở mức độ hợp lý. Để HS có niềm vui tết và tết có ý nghĩa với các em, nhà trường nên có các hoạt động về tết cổ truyền.
Giáo viên chủ nhiệm có thể cho các em trang trí cảnh tết trong không gian lớp học.
Hiện nay nhiều trường tổ chức hội trại xuân cho HS vào dịp giáp tết. Tuy nhiên cách làm chưa có chiều sâu, tốn kém, còn cảnh ăn uống xô bồ, mà chưa thể hiện rõ vẻ đẹp văn hóa của tết cổ truyền.
Một giáo viên dạy văn lớp 10 tại TP.HCM giao “bài tập” rất “đậm đà không khí tết” cho HS của mình là yêu cầu các em tự làm ít nhất 2 sản phẩm để tặng người thân của mình trong dịp tết. “Trước khi giao việc, tôi đã cho các em xem rất nhiều clip về các cách thực hiện món thịt kho tàu, cách chế biến dưa món, kem chuối, làm hoa giấy…”, giáo viên này nói. Thiết nghĩ, theo cách đó, nếu giáo viên dạy sử giao bài tập cho HS về việc sưu tầm nét đẹp của tết cổ truyền địa phương mình; còn giáo viên môn sinh giao bài tập về chế độ dinh dưỡng như thế nào cho hợp lý trong các ngày tết… thì hay biết mấy!
Bình luận (0)