Làm báo trong kỷ nguyên số

18/03/2017 07:08 GMT+7

Không thể phủ nhận sự phát triển như vũ bão của internet và côngnghệ truyền thông hơn 2 thập niên qua đã tác động mạnh mẽ tới các loại hình báo chí, làm thay đổi và tạo ra một thế hệ những người làm báo mới.

Nếu trước đây, nhà báo chỉ cần cây bút, máy ảnh và chiếc máy ghi âm, thì nay, với sự hỗ trợ “3 - 4 trong 1”, gồm máy ảnh số, điện thoại di động, iPad, máy ghi hình... nhà báo xử lý thông tin nhanh hơn, nhạy bén hơn, nhận thông tin chính xác.
Nhiều tiện ích là vậy, song những người cầm bút thời công nghệ cũng phải đứng trước áp lực cạnh tranh thông tin khốc liệt, phải đứng trước sự lựa chọn giữa nhanh và đúng. Trên thực tế, đã có không ít nhà báo chủ quan khai thác thông tin chưa kiểm chứng, không rõ nguồn, thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để câu khách, lạm dụng mạng xã hội (MXH) đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng.
Tại diễn đàn “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong kỷ nguyên số” thảo luận tại Hội Báo toàn quốc 2017 diễn ra hôm qua, một lần nữa vấn đề vi phạm đạo đức được nhiều nhà báo phê phán mạnh mẽ trước kiểu “làm báo Facebook”, khai thác thông tin bừa bãi, thiếu kiểm soát của một số phóng viên, đặc biệt là những người trẻ, đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin theo kiểu truyền thống, chuyển qua đi “săn” tin trên MXH.
Nhà báo Minh Nam, Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo VN), cho rằng khai thác, nhặt nhạnh thông tin từ MXH rồi xào xáo để biến thành tin tức của mình đưa lên trang báo đang trở thành một xu hướng "tác nghiệp" được không ít người làm báo theo đuổi. Từ sự tùy tiện này, họ không chỉ bỏ qua vai trò xã hội, mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, khiến cho lòng tin của công chúng đối với báo chí bị suy giảm. Hậu quả, thiệt hại từ thông tin sai gây ra trong kỷ nguyên số là vô cùng lớn và rất khó khăn, cái sai được tiếp nối, chia sẻ, lan truyền theo cấp số nhân, mất nhiều thời gian cho việc sửa sai, đính chính… Công chúng đang phải sống chung với những luồng thông tin thật giả, xấu tốt lẫn lộn. Đứng trước biển thông tin ấy, nhiệm vụ của nhà báo là phải sàng lọc thông tin chất lượng và chuẩn xác.
Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của mọi nền báo chí, cùng với việc trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, hơn lúc nào hết đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số luôn được đặt lên hàng đầu.
Để giữ gìn đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của báo chí VN, từ ngày 1.1.2017, “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN” đã có hiệu lực. Trong số 10 quy định này, điều số 5 yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác trong kỷ nguyên số. Đây là “kim chỉ nam” dẫn dắt các nhà báo trau dồi, rèn đức, rèn nghề, rèn bản lĩnh để chuyển tải đến công chúng những thông tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc hại trên MXH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.