Do vậy, Sở Y tế TP đã chủ động lập trạm cấp cứu vệ tinh; huy động nguồn lực, xe cấp cứu tại các bệnh viện quận huyện, bệnh viện tư nhân... lên đến 30 vệ tinh, phủ khắp 24 quận huyện. Không chỉ xe cấp cứu 4 bánh mà nhiều nơi còn phát triển xe cấp cứu 2 bánh.
Trạm vệ tinh tham gia hệ thống cấp cứu 115 cũng phải được thẩm định đạt tiêu chuẩn và cam kết hỗ trợ cấp cứu 24/24 với Trung tâm cấp cứu 115. Thế nhưng nhiều cuộc gọi hỗ trợ cấp cứu từ Trung tâm cấp cứu 115 cho các trạm cấp cứu vệ tinh không thành công; nơi thì không nhận, nơi không có tín hiệu hoặc không bắt máy. Lãnh đạo các trạm vệ tinh đều có chung lý giải là thiếu xe, thiếu người trực... đề nghị bổ sung, nhất là ban đêm.
Cấp cứu, hiểu nôm na là tình trạng con người nguy cấp cần cứu gấp. Ấy vậy mà nhiều trạm cấp cứu vệ tinh từ chối với những lý do như đã nêu, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh “lương y như từ mẫu” trong lòng người dân. Sẽ ấm lòng biết bao nếu người bệnh, thân nhân thấy hình ảnh y bác sĩ trong bộ đồng phục cấp cứu 115 hay khoác chiếc áo blouse với khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại đến giúp bệnh nhân lúc lâm nguy.
Làm cấp cứu, hỗ trợ cấp cứu là thật lòng chứ đừng “đánh bóng thương hiệu”, “làm màu”, lấy thành tích, vì một cái “lắc đầu” từ chối cấp cứu theo thông lệ hành chính cũng chính là sự vô cảm với người bệnh. Nhưng để hoạt động cấp cứu trơn tru, hiệu quả, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị tham gia hệ thống cấp cứu 115.
Bình luận (0)