Ba bạn học sinh cùng lớp, gồm Trần Ngọc Nhật Huyền, Hoàng Trọng Thanh Tùng và Đỗ Kỳ Minh Triết, khi học môn khoa học kỹ thuật đã tiếp xúc với bình chữa cháy đang phổ biến hiện nay. “Cảm giác đầu tiên đó là chiếc bình dài và khá nặng, không tiện sử dụng đối với các bạn nhỏ, nhất là khi đám cháy bùng phát trong các gia đình mà người lớn thì đi vắng”, Thanh Tùng nhớ lại.
Trăn trở từ năm trước, nhưng sang năm lớp 12, ba người bạn trên mới có thể bắt tay vào thử nghiệm những loại sản phẩm có tính năng chữa cháy linh hoạt hơn đối với bình chữa cháy. Sáng kiến được áp dụng chính là dùng “quả cầu lửa” bằng inox. Bên trong quả cầu được nhồi một khối lượng băng khô (chất được ngư dân ướp cá, hoặc làm chất tạo khói trên sân khấu mà ta thường thấy) và một loại hợp chất tạo bọt để dập lửa.
|
Trưởng nhóm Minh Triết giải thích thêm, băng khô chính là một loại khí CO2 dạng rắn có tính năng dập lửa. Riêng chất tạo bọt, khi phun ra khỏi quả cầu nó có tác dụng bám trên bề mặt đám cháy ngăn sự lan tỏa của đám cháy. Băng khô chất tạo bọt sẽ bung ra ngoài qua hệ thống có bốn chiếc van tự động được lắp theo hướng tiếp tuyến. Khi gặp lửa, trong vòng 3 - 5 giây, lúc áp suất đủ lớn thì hệ thống van sẽ được kích hoạt để khí bung ra ngoài khống chế đám cháy. Trong quá trình lượng khí bung ra khỏi van, quả cầu sẽ được xoay 3600 liên hồi giúp cho phạm vi đám cháy cần khống chế vừa rộng vừa đều.
“Về mặt lý thuyết, ở điều kiện nhiệt độ 00C, cứ 600 gr băng khô sẽ cho lượng khí gồm 305 lít. Đây là loại nguyên liệu rất dễ tìm và có thể chủ động nếu sản phẩm được ứng dụng. Hiện tại, trọng lượng sản phẩm quả cầu lửa mô hình của nhóm chỉ gần 1 kg, trong đó bộ vỏ quả cầu khoảng 750 gr (đường kính cầu 15cm). Đây là một lợi thế, nhưng cũng là nhược điểm của sản phẩm”, Ngọc Huyền tiết lộ.
Cũng theo Huyền, ưu điểm nổi trội thiết bị chữa cháy mà nhóm tạo ra đó là trọng lượng nhẹ, có thể sử dụng để chữa cháy linh hoạt, khi mà nó có thể lăn vào các ngóc ngách trong ngôi nhà, công sở, cơ quan… Do thiết bị gọn nhẹ nên các em nhỏ cũng có thể sử dụng để dập lửa khi không có người lớn bên cạnh. Mặt khác, quả cầu lửa gọn nhẹ nên có thể làm vật trang trí trong gia đình, đặt tại những nơi dễ bắt lửa để tiện sử dụng khi xảy ra hỏa hoạn. Không chỉ thế, nguyên liệu để dập lửa là các loại khí và hợp chất không độc hại nên bảo đảm cho sức khỏe cho mọi người khi tiếp xúc.
Ba bạn trẻ cho biết khi sáng chế quả cầu lửa, mục đích đầu tiên là sử dụng chúng như một phương tiện hữu hiện để thoát thân nếu xảy ra những đám cháy nhỏ. Trong trường hợp đám cháy quá lớn thì cần đến lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Lợi thế rất lớn của sản phẩm này đó là giá thành khá thấp, chỉ 150.000 - 200.000 đồng/quả, trong khi bình chữa cháy chuyên dụng hiện 600.000 - 700.000 đồng/ bình. “Hiện tại nhóm chỉ mới thành công về mặt sản phẩm mô hình, còn sản phẩm sản xuất đại trà để ứng dụng vào thực tiễn thì chưa thể bởi nhóm đang thiếu sự bảo trợ của mạnh thường quân, nhất là sự hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn để quả cầu lửa thực sự hoàn thiện”, Minh Triết chia sẻ.
Đề tài và sản phẩm mô hình quả cầu lửa vừa đoạt giải 3 toàn quốc hội thi Khoa học, kỹ thuật Intel ISEF cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT năm 2013 do Bộ GD - ĐT tổ chức. Sau hội thi, nhóm cũng đã nhận được bằng khen của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec). |
Đình Toàn
>> Phú Quốc tăng cường phòng chống cháy rừng
>> Phòng chống cháy rừng Bảy Núi
>> Chống cháy cho xe máy
>> Thiết bị chống cháy cho gia đình
Bình luận (0)