Làm công nghệ thu nhập trăm tỉ/năm có cá biệt?

Quý Hiên
Quý Hiên
28/01/2021 07:49 GMT+7

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc ở Hà Nội có 2 cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đóng thuế hàng chục tỉ đồng nhờ thu nhập 'khủng'.

Trong đó một trường hợp là nữ (28 tuổi), đạt thu nhập 330 tỉ đồng năm 2020. Người còn lại là nam (30 tuổi) thu nhập 280 tỉ đồng. Cả hai đều có thu nhập từ công việc viết phần mềm đăng trên các ứng dụng Google Play và App Store hoặc các ứng dụng khác.
Trước các thông tin này, ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Viện Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bình luận: “Thông tin này gây sửng sốt với xã hội, nhưng những người làm việc trong lĩnh vực này không ngạc nhiên. Bởi sự ngạc nhiên đó chúng tôi đã dành cho Nguyễn Hà Đông (cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) năm 2014, khi trò chơi Flappy Bird đã mang đến cho Đông hàng chục triệu USD. Còn từ đó đến nay, cá nhân  thu nhập khủng tuy ít nhưng không còn là của hiếm”.

Thu nhập “khủng” ở thị trường “ngầm”

Ông Hùng cho biết từ nhiều năm nay, SV ngành CNTT ra trường rất dễ tìm việc làm phù hợp với mức lương khá. Riêng SV ngành này của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn được các doanh nghiệp (DN) chào đón và được trả mức lương cao, từ 15 - 16 triệu đồng/tháng đến 1.000 - 2.000 USD/tháng, thậm chí có nơi 5.000 - 6.000 USD/tháng. Nhưng đó là thị trường “nổi”. Còn có một thị trường lao động “chìm” mà thông tin về nó chỉ được lộ ra do tiết lộ từ cơ quan thuế, chẳng hạn như 3 trường hợp kể trên.
Ông Hùng cũng cho biết trong thị trường lao động “chìm” có 2 đối tượng: những người làm việc theo diện tạm gọi là freelancer (tự do), hoặc mở công ty khởi nghiệp. Do “dân CNTT” có thể ngồi bất kỳ đâu làm việc, miễn là có máy tính, nên lĩnh vực này là mảnh đất màu mỡ cho việc phát triển thị trường lao động “chìm”.
Sự thành công đến với họ theo những cách người ngoài khó lý giải. Thường thì có một nhóm dăm ba người làm với nhau, có thể mở công ty hoặc không. Hoặc mô hình “nhóm” chỉ có 2 vợ chồng, chồng viết code (mã), vợ làm kế toán, cũng khá phổ biến. Sự tồn tại của các công ty này không ai biết, vì có thể nay có, mai không. Có người năm nay làm tốt, năm sau tốt hơn. Có người năm nay được một khoản tiền khổng lồ, năm sau không có nữa. Có người được 1.000 - 2.000 USD/tháng. Có người 10.000 - 20.000 USD/tháng. Thậm chí có người 100.000 - 200.000 USD/tháng.
“Người trong cuộc không khoe. Người ngoài không hỏi. Đến khi phải đóng thuế thì xã hội mới biết. Họ cũng không muốn xuất hiện, không cần truyền thông. Họ cứ lặng lẽ làm việc, cứ lặng lẽ nhận thù lao khổng lồ. Có người khi kiếm được khoản tiền lớn thì “nghỉ hưu” dù mới ngoài 30 tuổi. Người nào xuất hiện thường do nhu cầu cần huy động vốn hoặc muốn tìm đối tác”, ông Hùng chia sẻ.

Nhân lực luôn chuyển động do cạnh tranh

Theo ông Hùng, ông có quen biết những cặp vợ chồng làm việc theo mô hình “chồng viết code, vợ làm kế toán”, thu nhập hàng tỉ đồng/năm, hơn hẳn những người đi làm công ty lớn của nước ngoài lương 5.000 - 6.000 USD/tháng.
“Khi tôi kể, có một cựu SV cho biết em ấy có ngôi nhà 40 tỉ đồng, nhiều người không tin, vì không hiểu làm sao để một thanh niên 27 - 28 tuổi mới ra trường dăm năm đã có hàng chục tỉ đồng mua nhà! Nếu nói thu nhập khủng của những bạn như thế là nhờ lập trình giỏi, thì không hẳn. Vì công lập trình chỉ chiếm 1/3 đóng góp cho thu nhập đó. Còn lại là nhờ sự sáng tạo của những người cùng tham gia tạo nên sản phẩm, ví dụ như thiết kế hình ảnh, rồi sáng tạo cách chơi (nếu là game), rồi sáng tạo tình huống...”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng tỷ lệ người có thu nhập “khủng” trong thị trường lao động CNTT “chìm” là không cao, được bố trí ngẫu nhiên và tương ứng với tỷ lệ nhân tài về sáng tạo. “Tỷ lệ thành công cao thì không ai đi làm công ty cả mà sẽ ngồi nhà làm tự do hết. Nó không phải là con số lớn, nhưng chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt”, ông Hùng nhận xét.
Theo ông Huỳnh Tấn Châu, Phó giám đốc Phân hiệu Đà Nẵng - Trường ĐH FPT, một thực tế không thể phủ nhận là SV ngành này ra trường rất “đắt hàng”. Thậm chí, dòng nhân lực trong thị trường lao động luôn chuyển động do sự cạnh tranh giữa các DN. Nhiều người sẵn sàng “nhảy” việc khi được mời gọi với mức lương hấp dẫn hơn. Nếu DN đãi ngộ không tương xứng thì dẫu tuyển được người cũng khó giữ chân được họ.
“SV ra trường về làm ở công ty công nghệ S khá nhiều. Nhưng làm một thời gian các em lại đi. Lãnh đạo bên đó thú nhận, họ rất vất vả trong việc giữ chân các em”, ông Châu cho biết.

Chủ yếu mức lương hơn 14 - 15 triệu đồng/tháng

Nhưng cũng theo ông Châu, cựu SV FPT ở Đà Nẵng chủ yếu đi làm cho các công ty với mức thu nhập khởi điểm khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, cao thì 14 - 15 triệu đồng/tháng. Cũng có những em làm việc ở công ty lớn được trả 1.000 - 2.000 USD/tháng nhưng không nhiều.
“Nhưng tôi không ngạc nhiên nếu bạn trẻ nào đó thu nhập hàng chục tỉ đồng. Mới đây, tôi gặp một bạn trẻ, bạn ấy cho biết tạo được một website và đã bán lại cho người khác với giá 32 tỉ đồng”, ông Châu nói.
Ông Nguyễn Đức Dư, Phó trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Giao thông vận tải, chia sẻ theo con số mà khoa thu thập được gần đây với đối tượng SV tốt nghiệp được 2 - 3 năm thì chủ yếu các em đi làm cho DN, sau 2 - 3 năm có mức thu nhập phổ biến 14 - 15 triệu đồng/tháng. Cũng có một số em sau 2 - 3 năm mức thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng, hoặc hơn một chút, nhưng chỉ chiếm khoảng 5 - 7%. Cựu SV có thu nhập cao nhất mà khoa được biết là một em làm quản trị hệ thống cho một ngân hàng, có mức lương hơn 3.000 USD/tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.