Làm dâu, rể xứ người: Ba thế hệ giữ gìn văn hóa Việt trên đất Lào

08/01/2025 06:38 GMT+7

Cộng đồng người Việt tại Lào đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh đa văn hóa của xứ sở hoa Chăm Pa. Từ những ngày đầu mới định cư cho đến nay, 3 thế hệ gia đình ông Vũ Đình La (54 tuổi) không ngừng nỗ lực giữ gìn nền văn hóa Việt trên nước bạn.

"Dù ở đâu, chúng ta phải luôn nhớ về quê hương. Tôi luôn dạy các con rằng, đã là người Việt thì phải biết tiếng Việt", ông Đình La chia sẻ. Gia đình ông La hiện đang sinh sống tại thành phố Pakse ở miền Nam nước Lào. Sinh ra và lớn lên ở nước sở tại nhưng ông chưa bao giờ quên đi cội nguồn của mình.

Người vợ Lào và những người con của ông cũng hết mực yêu quê hương VN. Trong những bữa cơm thường ngày của họ, không thể thiếu những món ăn dân dã như thịt kho trứng, canh cua đồng…

Làm dâu, rể xứ người: Ba thế hệ giữ gìn văn hóa Việt trên đất Lào- Ảnh 1.

Gia đình ông Đình La sống tại Lào

ẢNH: NVCC

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Đối với những người Việt định cư ở nước ngoài, "quê hương" luôn là tiếng gọi thiêng liêng. Sinh ra và lớn lên ở Lào vì gia đình di cư sang đây làm ăn sinh sống, ông La vẫn chưa bao giờ quên đi cội nguồn, gốc gác.

Theo lời kể của ông, ngày trước, việc di cư sang Lào là quyết định lớn lao của ông bà. Dù họ nhớ thương quê hương nhưng do tính chất công việc nên đành ngậm ngùi sống xa xứ.

Từ nhỏ, ông đã được cha mẹ truyền dạy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương mình. Những câu chuyện lịch sử hào hùng, hình ảnh người anh hùng kiên cường, bất khuất, bảo vệ nền văn hóa nước nhà qua hàng nghìn năm đã thấm nhuần, hun đúc trong lòng đứa trẻ năm nào một tình yêu đất nước mãnh liệt.

"Đã là người Việt thì dù ở đâu cũng phải nhớ về cội nguồn. Tuy sống ở nước bạn nhưng tôi học tiếng Việt từ bé, nếp sống gia đình cũng giống như ở quê. Có thể khi ra đường gặp gỡ mọi người, tôi dùng tiếng Lào để giao tiếp. Nhưng khi về nhà, tiếng Việt luôn là ưu tiên số một", ông La tâm tình.

Làm dâu, rể xứ người: Ba thế hệ giữ gìn văn hóa Việt trên đất Lào- Ảnh 2.

Hoạt động của Hội Người Việt ở tỉnh Champasak vào những ngày lễ truyền thống của VN

ẢNH: NVCC

Ở xa quê hương, dù không có điều kiện đầy đủ, gia đình ông vẫn duy trì văn hóa thờ cúng tổ tiên, tổ chức Tết Nguyên đán, Tết trung thu, lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ Quốc khánh…

Sau này, ông La lập gia đình với một người phụ nữ Lào, có với nhau 3 người con. Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn trong hôn nhân với người nước ngoài, ông La tự hào khoe về vợ mình: "Vợ tôi cũng rất yêu VN. Bà ấy thường xuyên tham gia những ngày lễ truyền thống, thích mang áo dài, biết nói tiếng Việt sành sỏi và nấu đồ ăn Việt rất ngon".

Trải lòng với chúng tôi, một trong những điều khiến ông nhớ nhất khi nhắc đến quê hương chính là sự đùm bọc, sẻ chia, tình thương mến thương của đồng bào. Mỗi lần ông về VN đều cảm nhận được sự chân tình, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi nguy nan. Đặc biệt, mỗi lần xem tin tức, thấy đồng bào mình ở quê chịu thiệt hại do thiên tai, lòng ông cũng đau đớn khó tả. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy, tinh thần đoàn kết lại một lần nữa tỏa sáng.

"Tôi tuy sống xa quê nhưng vẫn luôn cố gắng gìn giữ những giá trị truyền thống cốt lõi. Vừa hòa nhập với nước bạn Lào nhưng cũng không để mình hòa tan; tôi yêu tha thiết cả hai đất nước. VN là nơi "chôn nhau cắt rốn", còn Lào là nơi nuôi dưỡng tôi lớn lên, cho tôi một gia đình nhỏ như bây giờ", ông Đình La bộc bạch.

Ông La cho hay, một trong những nét khác biệt rõ ràng giữa văn hóa dâu - rể của 2 nước VN và Lào là trong cách cưới hỏi. Ở Lào, người chồng sẽ về nhà vợ ở rể, giúp nhà vợ phát triển kinh tế trong một vài năm. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống và đồng thời tôn trọng phong tục tập quán của nước bạn.

Yêu cả quê cha và quê mẹ

Nhờ vào nền tảng văn hóa vững chắc từ cha mẹ, ông Vũ Đình La đã truyền lại những giá trị này cho con cái của mình.

"Khi các con lớn lên, vợ chồng tôi cũng thống nhất cho các con được theo học tại các trường liên kết Việt - Lào để có thể cân bằng kiến thức, ngôn ngữ giữa 2 đất nước. Ở trường, các con cũng có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với người Việt, tiếp cận với các giá trị truyền thống thông qua sách vở, trải nghiệm thực tế. Con tôi cũng biết nói tiếng Việt từ bé, hiện nay có 2 đứa học đại học ở Hà Nội", ông La cho hay.

Con gái của ông La (Bua keo Vinnavong) là giáo viên ở Trường Hữu nghị Việt - Lào. Ông nói rằng bản thân con cũng mong muốn được nghiên cứu nhiều về tiếng Việt và giảng dạy cho các thế hệ sau. "Thấy con cái yêu quê hương như thế, người làm cha như tôi cũng hạnh phúc vô cùng", ông La bày tỏ.

Làm dâu, rể xứ người: Ba thế hệ giữ gìn văn hóa Việt trên đất Lào- Ảnh 3.

Hiện nay, ông Vũ Đình La là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người Việt ở tỉnh Champasak

ẢNH: NVCC

Anh Phasouk Vinnavong (22 tuổi) là con trai út của ông La, đang học đại học ở Hà Nội, chia sẻ: "Khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đa văn hóa, tôi cảm thấy cuộc sống rất phong phú và thú vị. Sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa VN và Lào đã giúp tôi có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới. Tôi yêu cả quê cha và quê mẹ vì mỗi đất nước đều có một vẻ đẹp riêng".

Anh Phasouk kể thêm, ba của anh rất chú trọng việc dạy tiếng Việt cho con cái. Ông luôn khuyến khích anh sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày, để giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ của quê hương. Lớn lên, anh sang Hà Nội du học, đây cũng là cách để anh được trực tiếp trải nghiệm môi trường văn hóa, nền giáo dục của quê hương mình.

Đặc biệt, điều khiến anh Phasouk ngày càng yêu VN chính là sự hiếu khách và nền ẩm thực phong phú. "Mỗi món ăn đều mang lại cho tôi những trải nghiệm thú vị. Mỗi năm, ba tôi cũng sắp xếp dành thời gian đưa cả gia đình về VN chơi. Đó cũng là dịp để gặp gỡ bạn bè, họ hàng và hơn hết là để vơi bớt nỗi nhớ quê hương", anh Phasouk tâm sự.

Mặc dù chỉ gặp gỡ trên nền tảng trực tuyến nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ tình yêu quê hương đất nước của ông La và gia đình ông. Vợ và gia đình vợ ông La từ lâu cũng đã xem VN là quê hương thứ hai, nơi đã sinh ra người họ thương và mai này cũng là nơi các con mình sẽ gọi hai tiếng "quê hương". (còn tiếp)

Hiện nay, ông Vũ Đình La là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người Việt ở tỉnh Champasak. Tổ chức này có nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Lào, từ việc tạo điều kiện làm ăn đến việc tổ chức các lễ hội văn hóa VN tại đây. Thông qua các hoạt động này, ông không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa Việt mà còn giúp kết nối người Việt với nhau, tạo ra một cộng đồng đoàn kết và mạnh mẽ.

Theo ông, việc tham gia vào những cộng đồng người Việt ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Ông luôn nỗ lực đóng góp và vun đắp mối tình hữu nghị đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa VN - Lào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.