Xa quê hương sang Nhật Bản học tập, làm việc, chị Thương đã gặp được nửa kia của đời mình, cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Ở xứ người, chị luôn có ý thức trở thành người phụ nữ độc lập, có trách nhiệm đóng góp cho quê hương Việt Nam và cả nước sở tại. Chị là người tiên phong trong các hoạt động đoàn thể, nỗ lực gắn kết, hỗ trợ đồng bào mình, tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa nước nhà.
Giỏi việc cộng đồng, đảm việc nhà
Công việc chính của chị Thương là chuyên gia tư vấn tâm lý. Chị đã giúp đỡ nhiều phụ nữ Việt gặp vấn đề tâm lý khi sang Nhật học tập, làm việc, đặc biệt là lập gia đình. Theo chia sẻ của chị, nhiều phụ nữ khi lấy chồng Nhật và sang đó sinh sống gặp khó khăn trong giao tiếp, hòa nhập văn hóa. Nhiều người có trình độ cao cũng phải tạm gác công việc, ở nhà chăm con rồi trở nên u uất, trầm cảm. Cũng có một số trường hợp hôn nhân không thuận lợi, sau khi ly hôn họ không biết làm giấy tờ để trở về quê hương.
"Những người con xa quê, đặc biệt là phụ nữ sẽ gặp rất nhiều trắc trở. Bản thân tôi cũng từng trải qua nên thấu hiểu và đồng cảm lắm. Do đó, công tác cộng đồng là rất cần thiết để tôi cũng như các anh chị em khác có thể kịp thời hỗ trợ lẫn nhau", chị Thương nói.
Ít ai ngờ rằng lễ Giỗ tổ Hùng Vương đã 6 lần được chị Thương cùng cộng đồng người Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản) tổ chức thành công. Sự kiện đã được vinh danh kỷ lục người Việt toàn cầu khi thu hút hơn 10.000 người tham dự, trong đó có cả kiều bào và người dân bản xứ.
Chị bày tỏ rằng không riêng chị mà mỗi người Việt Nam sống nơi đất khách đều luôn hướng về đất nước. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là một cách để lan tỏa văn hóa Việt đến với bạn bè thế giới; và hơn hết là mang đến cảm giác ấm áp, thân quen như ở quê nhà cho những người con xa quê. Nhớ lại những buổi lễ hoành tráng đó, chị Thương không khỏi xúc động: "Đó là thành công của cả một tập thể chứ không phải của cá nhân tôi. Kiều bào có thể đóng góp cho quê hương bằng nhiều hình thức. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam, tham gia vào các hoạt động cộng đồng để tăng sự gắn bó hữu nghị giữa hai nước".
Nhiều năm làm "người của cộng đồng" nhưng chị vẫn không quên trọng trách của một người vợ, người mẹ. Chị cho biết, từ lúc con còn nhỏ, chị đã rèn cho con kỹ năng độc lập, tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, chị đã dạy con tiếng Việt từ bé, kể cho con nghe về lịch sử, con người, đất nước Việt Nam.
"Vì con sinh ra và lớn lên ở Nhật nên tôi luôn cố gắng để con biết tiếng Việt, văn hóa Việt. Sau này con lớn lên sẽ giới thiệu quê mẹ đến bạn bè, đồng nghiệp mình; rồi lúc về Việt Nam có thể giao tiếp với ông bà, hàng xóm. Hơn hết, tôi mong con hiểu được tiếng mình, nước mình đẹp như thế nào", chị Thương cho hay.
Với chồng, chị Thương cũng thường xuyên chia sẻ, bày tỏ để chồng thấu hiểu công việc của mình. Như vậy sẽ hạn chế được những xích mích, cãi vã trong đời sống hôn nhân.
Mở trường dạy tiếng Việt
Chị Thương luôn chú trọng việc dạy tiếng Việt cho thế hệ con em có cha, mẹ là người Việt đang sinh sống tại Nhật. Với chị, đó không chỉ là học một ngôn ngữ mà còn là hành trình trở về, luôn nhớ ơn quê hương đất nước.
Nhiều năm nay, chị cùng các giáo viên tình nguyện đều đặn duy trì lớp dạy tiếng Việt. Gần đây, chị cùng Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội kêu gọi các nhà hảo tâm, nhà nước tài trợ và xây dựng Trường Việt ngữ Cây Tre.
"Trường Việt ngữ Cây Tre tiền thân chỉ là vài lớp học nhỏ lẻ dạy tiếng Việt. Có nhiều bậc cha mẹ bày tỏ với tôi rằng muốn cho con học tiếng Việt để sau này có thể giao tiếp với ông bà, bố mẹ. Xa hơn nữa là con có thể tự hào nói mình là người Việt Nam hay có một phần dòng máu Việt đang chảy trong người bằng chính tiếng Việt", chị Thương nói.
Người phụ nữ bày tỏ thêm, yêu quê hương, đất nước không chỉ là đóng góp bằng những hành động thiết thực mà còn là giữ gìn, tiếp nối cho những thế hệ sau này. "Chúng tôi xem việc con mình nói được tiếng Việt không phải là một thành tích mà là một niềm tự hào. Khi chị em gặp gỡ, chúng tôi sẽ chia sẻ với nhau rằng con mình có nói được tiếng Việt không, chứ không phải là có bao nhiêu tiền, nhà bao nhiêu tầng và có bao nhiêu chiếc xe", chị Thương bày tỏ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Việt ngữ Cây Tre thu hút hơn 100 học sinh lứa tuổi từ 5 - 14, chia làm 6 lớp. Trong đó, có 30 em học trực tiếp tại Trung tâm văn hóa TP.Higashi Osaka, khoảng 70 em ở nhiều tỉnh, thành khác học trực tuyến.
Chị Ngô Thị Dần (quê Hưng Yên), một giáo viên tình nguyện ở Trường Cây Tre, cho biết: "Nghe các em đánh vần từng con chữ, tôi càng thêm trân quý công việc này". Còn anh Hoàng Văn Hòa (39 tuổi), có con đang theo học tại trường, chia sẻ: "Định cư ở Nhật gần 15 năm, tôi rất yên tâm và hạnh phúc khi con mình được học tại trường Việt ngữ".
Nhiều năm qua, chị Thương được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tuyên dương về công tác hội đoàn (năm 2019, 2022, 2024); giấy khen của Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka năm 2024...
(còn tiếp)
Một số chức vụ chị Lê Thị Thương đang đảm nhiệm:
- Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản
- Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây Tre, Nhật Bản
- Chủ tịch Hội Người Việt Nam vùng Kansai, Nhật Bản
- Phó chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, Nhật Bản
Mỗi năm, chị Thương thường xuyên về Việt Nam tham dự các chương trình kết nối cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Theo chị, đây là cơ hội để xúc tiến đầu tư, hợp tác, giao lưu văn hóa giữa hai nước; và hỗ trợ cộng đồng phụ nữ người Việt tại Nhật Bản có môi trường để giao lưu, chia sẻ và phát triển bản thân. Tính đến thời điểm hiện tại, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã có hơn 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật.
Bình luận (0)