Lâm Đồng lập chuyên án điều tra, truy tìm thủ phạm triệt hạ rừng thông ở Đà Lạt

19/05/2022 16:47 GMT+7

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đến Tiểu khu 144B kiểm tra hiện trường vụ triệt hạ rừng thông 3 lá và yêu cầu lập chuyên án điều tra truy tìm thủ phạm.

Sáng 19.5, sau khi phát động “Tết trồng cây” năm 2022, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến Tiểu khu 144B (TK144B), P.8, TP.Đà Lạt, khu vực giáp ranh giữa TP.Đà Lạt và H.Lạc Dương để kiểm tra hiện trường vụ triệt hạ hàng trăm cây thông 3 lá.

Vụ triệt hạ rừng thông 3 lá: Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu lập chuyên án điều tra

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đích thân đến hiện trường kiểm tra vụ hàng trăm cây thông bị cưa hạ

LÂM VIÊN

Tại đây, ông Hiệp yêu cầu ngành công an khởi tố vụ án, đồng thời lập chuyên án điều tra, truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm minh. “Không loại trừ những kẻ phá rừng thách thức pháp luật và đối đầu với chính quyền. Vì ở vị trí phá rừng để tổ chức sản xuất rất là khó, và thực tế mà nói theo diễn tiến của hiện trường thì đây không phải là việc mới, có những cây đã bị khoan, chặt gốc đổ hóa chất từ nhiều tháng trước”, ông Hiệp nhận định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo TP.Đà Lạt kiểm tra thông bị đầu độc chết khô

LÂM VIÊN

Ông Hiệp cho biết, quan điểm của UBND tỉnh Lâm Đồng là xử lý nghiêm; đồng thời xem đây cũng là bài học kinh nghiệm cho anh em kiểm lâm, những người làm công tác bảo vệ rừng khi tiếp cận hiện trường. Ngoài ra, ông cũng hoan nghênh lực lượng báo chí đã phản ánh kịp thời các vụ phá rừng trên địa bàn thời gian qua để lãnh đạo tỉnh nắm rõ hơn thông tin để chỉ đạo, xử lý.

Tiếp tục khám nghiệm hiện trường, kiểm đếm thông bị thiệt hại

LÂM VIÊN

Như Thanh Niên đã phản ánh, ngày 17.5, các cơ quan chức năng của TP.Đà Lạt đến khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại khoảnh 15, TK144B (lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý) trên diện tích gần 2 ha với hơn 300 cây thông 3 lá bị cưa hạ, hơn 100 cây khác bị đầu độc bằng hình thức khoan vào thân cây, đổ thuốc hóa học cho cây chết dần. Cách hiện trường vụ phá rừng thông khoảng hơn 150 m phía dưới chân đồi có một số hộ dân đang sản xuất nông nghiệp, thậm chí có cả nhà kính để trồng rau, hoa công nghệ cao.

Khám nghiệm rừng thông bị triệt hạ tại TK 144B

LÂM VIÊN

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 19.5, Công an tỉnh Lâm Đồng cùng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng tiếp tục đo đếm, thống kê số cây thông bị cưa hạ và đầu độc tại lô a và lô b, khoảnh 15, TK144B.

Kinh hoàng 400 cây thông 3 lá tại Đà Lạt bị cưa hạ nằm la liệt

Trồng thêm 3.500 cây mai anh đào, thông 3 lá tại Đà Lạt

Sáng 19.5, tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” năm 2022. Ngay sau lễ phát động, khoảng 3.500 cây mai anh đào và thông ba lá được lãnh đạo, cán bộ và người dân trồng tại 3 vị trí trên địa bàn TP.Đà Lạt.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trồng mai anh đào bên hồ Xuân Hương, TP.Đà Lạt

LÂM VIÊN

Tại lễ phát động trồng cây, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, hiện nay công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng và bảo vệ cây xanh vẫn còn nhiều bất cập; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn xảy ra tại nhiều địa phương… Do đó, việc trồng rừng tập trung, trồng thêm cây phân tán thực sự trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách đối với mọi người dân. Theo kế hoạch, trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng sẽ trồng 6,6 triệu cây xanh trong tổng số chỉ tiêu trồng 50 triệu cây xanh của tỉnh thuộc chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025, do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.