Lâm Đồng: Người dân muốn 'hiến đất' mở đường giao thông phải làm gì?

12/11/2021 15:00 GMT+7

Sau một thời gian tạm ngưng giải quyết việc “hiến đất” mở đường , tách thửa, hợp thửa đất, mới đây tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND để “khai thông” vấn đề này.

Ngày 12.11, ông Nguyễn Phú Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa tổ chức cho tất cả các VPĐKĐĐ các huyện, thành phố trong tỉnh đồng loạt áp dụng Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 1.11.2021, để giải quyết việc “hiến đất” (tặng, cho) mở đường, tách thửa, hợp thửa đất bị ngưng trệ trong mấy tháng qua.

Hiện trạng nhiều thửa đất có đường giao thông ở Bảo Lộc bao quanh để phân lô bán nền

CTV

“Hiến đất” mở đường giao thông phải có quyết định thu hồi đất

Ông Tuấn cho biết, từ năm 2008 đến nay, đây là lần thứ 4 tỉnh Lâm Đồng ra các quyết định liên quan đến việc tách thửa, hợp thửa và “hiến đất” làm đường giao thông. Đầu tiên, năm 2008 tỉnh có Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND (QĐ 08/2008), đến tháng 4.2015 có Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND (QĐ 33/2015) thay thế QĐ 08/2008.

Ngày 19.1.2021 tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND (QĐ 04/2021) thay QĐ 33/2021, nhưng từ tháng 6.2021 phải tạm ngưng. Lý do, quá trình thực hiện nảy sinh những vấn đề bất cập so với thực tế, mỗi huyện, thành phố có cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng lợi dụng để mở đường “phân lô bán nền” ở nhiều địa phương. Mặt khác, cơ quan chuyên môn nhận nhiều phản ánh từ người dân và lúng túng trong thực hiện. Do đó, ngày 1.11.2021, tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND (QĐ 40/2021) thay thế QĐ 04/2021 để khắc phục những vướng mắc và “khai thông” việc tách thửa, hợp thửa đất và “hiến đất” làm đường giao thông.

Ông Nguyễn Sỹ Phú (Phòng Quản lý đất đai, Sở TN-MT Lâm Đồng) cho biết thêm: “Ngành TN-MT chỉ giải quyết vấn đề tách thửa, hợp thửa đất, còn vấn đề mở đường giao thông thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thành phố; muốn đấu nối vào đường cấp huyện, cấp tỉnh phải liên hệ cơ quan chuyên môn là Sở GTVT”.

Việc mở đường giao thông thuộc thẩm quyền UBND các huyện, thành phố và Sở GTVT

LÂM VIÊN

Cũng theo ông Phú, trước đây khi người dân muốn “hiến đất” mở đường giao thông, có địa phương cho người dân tự nguyện “trả đất”, Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện nghiệm thu, thu hồi đất để triển khai làm đường. Có địa phương cho phép đăng ký biến động đất, đưa phần đường giao thông ra khỏi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Nay với QĐ 40/2021 thống nhất việc UBND cấp huyện phải ra quyết định thu hồi đất người dân muốn “hiến tặng” để mở đường và giao cho chính quyền cấp xã quản lý.

San gạt đất ở Bảo Lộc

lâm viên

Trường hợp hình thành đường giao thông mới mà đã có trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt hoặc thuộc trường hợp tại điểm b khoản 2 Điều 3 (QĐ 40/2021) thì người sử dụng đất chủ động đề nghị tự bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng theo quy hoạch, tự nguyện trả lại đất thì được UBND cấp xã thống nhất triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đất đai theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 luật Đất đai năm 2013; sau đó mới thực hiện các thủ tục tách thửa, hợp thửa theo QĐ 40/2021.

Điểm mới khi tách thửa, hợp thửa đất

Theo ông Phú, điểm mới trong QĐ 40/2021, điều kiện trước khi xem xét tách thửa, hợp thửa đất để hình thành đường giao thông mới, diện tích thửa đất hoặc khu đất (gồm nhiều thửa đất) nhỏ hơn 5 ha thì tiến hành lập bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, được UBND cấp huyện ký duyệt, kèm văn bản thống nhất, có các nội dung về quy chuẩn liên quan đến hạ tầng kỹ thuật.

Thời gian 2 năm gần đây ở TP.Bảo Lộc, nhiều đồi chè, cà phê được mở đường phân lô

ctv

Đối với thửa đất, khu đất đề nghị tách thửa, hợp thửa diện tích từ 5.000 m2 trở lên sau khi đã trừ diện tích làm đường giao thông, phải dành ít nhất 5% diện tích của thửa đất hoặc khu đất để làm hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng… Trường hợp diện tích thửa đất, khu đất lớn hơn hoặc bằng 5 ha thì tiến hành lập quy hoạch chi tiết xây dựng trình phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện. QĐ 40/2021 áp dụng cho các thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Ông Phú cũng lưu ý, QĐ 40/2021 không đặt vấn đề tách thửa đối đất lâm nghiệp; không áp dụng cho các trường hợp đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phân lô, quy hoạch xây dựng của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc tách thửa, hợp thửa phải thực hiện theo các quy hoạch đã được phê duyệt

Đối với hồ sơ tách thửa, hợp thửa hợp lệ đã tiếp nhận trên hệ thống phần mềm tại VPĐKĐĐ tỉnh và Chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố thì tiếp tục thực hiện theo QĐ04/2021 ngày 19.1.2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng (Điều 5, QĐ 40/2021).

Không yêu cầu chuyển mục đích xây dựng toàn bộ thửa đất

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở, QĐ 40/2021 chỉ xem xét việc tách thửa thuộc thửa đất có diện tích mục đích chính, không nhất thiết chuyển mục đích toàn bộ thửa đất như quy định trước đây. Mặt khác, QĐ 40/2021 được điều chỉnh theo hướng không còn dạng nhà song lập. Về kích thước, so với các quy định trước đây, QĐ 40/2021 giảm kích thước thửa đất tiếp giáp với mặt đường tối thiểu từ 12 m xuống tối thiểu 10 m.

QĐ 40/2021 của tỉnh Lâm Đồng quy định diện tích tối thiểu đất xây dựng tại đô thị

ubnd tỉnh lâm đồng

Tại Điều 4 của QĐ 40/2021 quy định diện tích đất cụ thể đối với 4 dạng nhà ở đô thị gồm: nhà phố, nhà liên kế có sân vườn, nhà biệt lập, biệt thự. Kèm theo đó là quy định kích thước của cạnh tiếp giáp đường chính hoặc đường hẻm đối với từng loại nhà. Theo ông Phú, với quy định mới này mật độ xây dựng sẽ được tăng lên từ 55% trước đây lên 60-65% theo từng trường hợp.

Một điểm mới khác về tách thửa đất nông nghiệp, trước đây quy định chung phải đủ 500 m2 mới được tách thửa, nay quy định rõ: “Đối với thửa đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500 m2 tại khu vực đô thị; 1.000 m2 tại khu vực nông thôn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.