Ngày 28.3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ban hành văn bản giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở liên quan kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động dự án điện mặt trời tại khu công nghiệp Lộc Sơn (TP.Bảo Lộc).
Từ đó đánh giá, tham mưu, đề xuất hướng xử lý về đầu tư, xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy, tác động môi trường... Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước 15.4.2023.
Ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho biết qua tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021", cho thấy toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.041 hệ thống điện mặt trời áp mái. Tổng công suất lắp đặt gần 300MW cho sản lượng khoảng 420 triệu kWh/năm, trong đó, phát lên lưới điện gần 373 triệu kWh.
Điều đáng nói, trong số 1.041 hệ thống điện mặt trời áp mái hầu hết có công suất dưới 1MW. Tỉnh Lâm Đồng có một dự án điện mặt trời với công suất 50MW đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư.
Qua giám sát cho thấy, việc quản lý điện mặt trời tại địa phương có những sơ hở, thiếu sót trong đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, mua bán điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Nhiều hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên đất nông nghiệp có kết hợp phát triển trang trại tổng hợp, trồng trọt (theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT), nhưng trong thực tế các chủ trang trại đầu tư hệ thống điện mặt trời để bán điện, còn mô hình trang trại chậm được triển khai hoặc làm chiếu lệ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện trong khu công nghiệp Lộc Sơn (TP.Bảo Lộc) có những đơn vị cho bên thứ 3 thuê đất để triển khai dự án điện mặt trời.
Bình luận (0)