Ngày 31.3, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường của địa phương, xây dựng lộ trình thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, do còn nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng bể thu gom, kho lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định.
Rác thải là bao gói thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom đúng quy định |
lâm viên |
Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 300.000 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó diện tích đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 63.108 ha, chiếm trên 21%. Phần lớn các loại cây trồng được sản xuất tập trung, quanh năm theo hướng đầu tư thâm canh nên sâu bệnh phát sinh phát triển mạnh và khó phòng trừ dẫn đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với các địa phương khác trong cả nước.
Hằng năm, hồ Đankia Suối Vàng - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho TP.Đà Lạt luôn "khổ" vì rác thải nông nghiệp, trong đó có nhiều bao gói thuốc bảo vệ thực vật |
gia bình |
Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm tại Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2021 từ 3.500 - 4.000 tấn. Với lượng thuốc trên, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng lên đến khoảng 185 - 300 tấn.
Trong khi đó, hiện trên địa bàn Lâm Đồng đã lắp đặt được 3.165 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (năm 2017: 428 bể; năm 2018: 944 bể; năm 2019: 1.277 bể: năm 2020: 409 bể, năm 2021: 107 bể).
Lực lượng thanh niên thường xuyên tổ chức thu gom rác thải nông nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường |
lâm viên |
“Từ 2018 đến 2021, toàn tỉnh đã tổ chức thu gom, tiêu hủy đúng quy định trung bình hàng năm từ 20,6 - 33,5 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong đó năm 2018: 20,6 tấn; năm 2019: 21,7 tấn; năm 2020: 25,2 tấn và năm 2021:33,5 tấn, chiếm 18,1% lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh/năm”, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho hay.
Bình luận (0)