Trong hai ngày 26 - 27.9, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ 4, năm 2024. Tham dự đại hội có 250 đại biểu thay mặt cho trên 330.000 đồng bào DTTS của 47 dân tộc từ các địa phương, cơ quan trong tỉnh.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng bào DTTS chiếm gần 1/4 dân số của tỉnh, sinh sống ở hầu khắp 142 đơn vị hành chính cấp xã. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn lực đầu tư dành riêng cho vùng DTTS tại Lâm Đồng gần 1.265 tỉ đồng. Nhờ nguồn lực này, kinh tế - xã hội vùng DTTS đã có những chuyển biến rõ nét.
Cụ thể, 100% thôn, buôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS năm 2024 đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5 % so với năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 2 - 3%.
Tính đến đầu năm 2024, tổng dân số toàn tỉnh Lâm Đồng 1.543.239 người, trong đó có 378.714 người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 24,54%) gồm 47 dân tộc. Một số dân tộc thiểu số có dân số đông như: K'Ho 175.531 người; Mạ 38.523 người; Chu Ru 22.475 người; Nùng 24.423 người; Tày 20.248 người; Hoa 13.788 người; M'nông 10.517 người…
Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, đại hội là dịp để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí hành động, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tôn vinh, biểu dương và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đồng bào các DTTS trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn 2019 - 2024.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng DTTS, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung hướng dẫn bà con đẩy mạnh thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác ổn định dân di cư; giải quyết nhu cầu về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, chấm dứt nạn chặt phá rừng; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng cơ sở; giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS.
Bình luận (0)